Công an Hà Nội nỗ lực vì ngày Tết không tiếng pháo

ANTĐ - Càng gần đến những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo nổ càng có những diễn biến phức tạp. Nhằm kiên quyết ngăn chặn nạn sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, các phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện, thị xã Công an TP Hà Nội đã tập trung triển khai các biện pháp phòng chống vi phạm về quản lý, sử dụng pháo gắn với việc thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
Công an Hà Nội nỗ lực vì ngày Tết không tiếng pháo ảnh 1

“Đánh” mạnh pháo lậu

Theo Thượng tá Thành Kiên Trung - Phó trưởng phòng CSĐTTP về TTQLKT&CV Công an TP Hà Nội, tính từ năm 2011 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội đã bắt giữ và xử lý trên 130 vụ với 158 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển pháo trái phép. Tuy nhiên, tình hình tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo vẫn còn có diễn biến phức tạp, một số đối tượng vẫn lén lút sản xuất, tàng trữ, vận chuyển buôn bán pháo lậu. Trước tình trạng đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng, chống loại tội phạm này. Mới đây, qua công tác nghiệp vụ đội Chống buôn lậu của Phòng CSĐTTP về TTQLKT&CV Công an TP Hà Nội đã xác lập chuyên án bắt giữ đối tượng Hoàng Mạnh Cường SN 1983 (trú tại Thường Tín, Hà Nội) với hành vi tàng trữ, mua bán 50kg pháo nổ.

Cùng với lực lượng Cảnh sát kinh tế, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo. Gần đây nhất, ngày 21-1, Tổ công tác của Công an quận Long Biên qua kiểm tra 2 đối tượng là Trần Ngọc Luân (SN 1998) và Cao Đức Hiếu (SN 1996) đều trú tại Văn Lâm, Hưng Yên đã phát hiện các đối tượng này đang vận chuyển 1 thùng các - tông bên trong có 10 hộp pháo nổ có trọng lượng 15kg. Các đối tượng này khai nhận đang trên đường vận chuyển pháo nổ từ Hưng Yên về giao cho một đối tượng trên địa bàn quận Long Biên thì bị tổ công tác của Công an quận Long Biên phát hiện bắt giữ.Trong những vụ việc được lực lượng công an Hà Nội triệt phá trong thời gian gần đây có những vụ đặc biệt lớn với thủ đoạn hết sức tinh vi, điển hình là vụ việc xảy ra tại huyện Đông Anh vào cuối tháng 10 năm 2014. Khoảng 20h ngày 29-10, tổ công tác CAH Đông Anh đang trên đường làm nhiệm vụ phát hiện chiếc xe ô tô tải đông lạnh có biểu hiện nghi vấn đã tiến hành kiểm tra. Tổ công tác đã phát hiện trên xe có nhiều thùng các - tông bên trong chứa pháo được bọc giấu kỹ lẫn với nhiều loại hàng hóa khác. Chủ xe là 2 vợ chồng Hà Văn Công và Nguyễn Thị Nhung (đều sống ở Yên Dũng, Bắc Giang) khai nhận đã giao dịch với đầu mối bán tại Lạng Sơn để vận chuyển trót lọt 100 thùng pháo tương đương hơn 3 tấn pháo phụt nổ sau đó thuê xe ô tô đông lạnh của lái xe là Trương Văn Lụa (người Vĩnh Long) vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. 

Vì lợi nhuận bất chấp pháp luật

Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn Hà Nội, tại một số nơi từng được coi là trọng điểm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ là khu vực chợ Đồng Xuân, các phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… đều không thấy xuất hiện tình trạng chào mời, mua bán các loại pháo nổ do Trung Quốc sản xuất. Còn tại một số làng nghề có truyền thống chuyên sản xuất pháo nổ trước đây như xã Bình Đà, xã Cao Viên (Thanh Oai), xã Đình Xuyên (Gia Lâm) hầu hết các hộ gia đình đã chuyển nghề sản xuất khác, tuy nhiên cũng không loại trừ có thể còn một số ít đối tượng sẽ lén lút sản xuất pháo, que phát sáng, thậm chí làm giả các loại pháo của Trung Quốc. Thiếu tá Trương Duy Hoàng, Phó Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về Kinh tế chức vụ và ma túy CAH Thanh Oai cho biết, CAH Thanh Oai thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân tại các làng nghề đặc biệt là các hộ kinh doanh, các nghệ nhân có tay nghề trước đây không sản xuất buôn bán trái phép pháo nổ.

Pháo lậu hiện nay đều chủ yếu từ các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai sau đó được tập kết tại một số tỉnh ven Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang… rồi sau đó đưa về Hà Nội. Từ đây pháo nổ lại tiếp tục được ngụy trang theo các phương tiện vận chuyển vào các tỉnh miền Trung, miền Nam…

Ngày 16-12-2014, Công an quận Hoàng Mai qua kiểm tra tại khu vực sân ga Giáp Bát đã phát hiện và tạm giữ 23 thùng pháo điều khiển phát nổ từ xa do Trung Quốc sản xuất đang trên đường đưa vào tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. Để vận chuyển pháo lậu vào sâu trong nội địa, các đối tượng buôn lậu thường mua gom pháo với số lượng lớn, sau đó xé lẻ thuê người vận chuyển qua các đường mòn, lối mở dọc biên giới sau đó chia nhỏ, cất giấu pháo trong các thùng các - tông, bao tải hoặc gói pháo kỹ qua nhiều lớp, dán băng dính xung quanh rồi giấu lẫn trong các thùng hàng.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn được sự tiếp tay từ phía bên kia biên giới giấu pháo trong các vỏ bao bì hàng tiêu dùng thông thường. Do một số tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam đã bãi bỏ việc cấm sản xuất và đốt pháo nên pháo ở đây được bày bán công khai và bán với giá khá rẻ (một bánh pháo chỉ từ khoảng 6 đến 10 nhân dân tệ, tương đương  20.000-35.000 đồng). Tuy nhiên nếu được vận chuyển trót lọt vào sâu trong nội địa sẽ có giá bán cao gấp 3 đến 4 lần. Chính vì khoản lợi nhuận này dù biết sẽ bị xử lý nghiêm nhưng các đối tượng vẫn liều mình vi phạm. 

Phải làm tốt từ công tác tuyên truyền, phòng ngừa 

Nhằm kiên quyết ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó Công an Thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết. Song song với công tác xử lý, hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ cũng đang được các công an các địa phương quyết liệt triển khai.

Thiếu tá Trương Duy Hoàng, Phó Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về Kinh tế chức vụ và ma túy CAH Thanh Oai cho biết, trong thời gian thực hiện kế hoạch cao điểm, CAH Thanh Oai đã tổ chức nhiều biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động sản xuất, buôn bán pháo trái phép trên địa bàn đặc biệt hướng vào các hộ có nghề truyền thống là nghề sản xuất pháo. đơn vị đã triển khai nắm tình hình ở các hộ kinh doanh tạp hóa, các hộ có nghề sản xuất pháo bông, pháo hoa... Bên cạnh đó, phân công trinh sát, kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng nằm ở các chốt trọng điểm ở các xã để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và bắt giữ các đối tượng đốt pháo và buôn bán pháo trên địa bàn.

Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, để phòng chống tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo, lực lượng công an đã tham mưu cho UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định thành lập 3 tổ công tác liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hành chính trên địa bàn trọng điểm, phức tạp, có nghi vấn sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loại pháo trái phép, như địa bàn phường Hàng Mã, Đồng Xuân, Hàng Đào, Chương Dương, Phúc Tân. Trong đó ập trung vào các tụ điểm có các kho tàng, bến bãi có thể là nơi tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng có thể lợi dụng trà trộn pháo.

Theo Trung tá Phạm Văn Hiển, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính Công an quận Hoàn Kiếm, ngay từ tháng 11-2014, Công an quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch hiệp đồng về tăng cường công tác phòng ngừa. Song song với đó, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của các phường, hiện nay lực lượng công an phối hợp với các ban ngành đã tổ chức ký cam kết tới 100% các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn quận, 100% các tổ dân phố, trường học và từng hộ dân ký cam kết không đốt pháo. Cho đến nay tất cả công an các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã xây dựng xong phương án đảm bảo an ninh trật tự đêm giao thừa trên địa bàn phường, khống chế tụ điểm có khả năng xảy ra sử dụng pháo. Ngoài ra, Công an quận Hoàn Kiếm đã có sáng kiến sử dụng tin nhắn điện thoại, phối hợp giữa tuyên truyền phòng ngừa pháo và tuyên truyền phòng ngừa tội phạm để nhắn tới các hộ dân và từng công dân nâng cao ý thức công dân đối với các hành vi buôn bán vận chuyển pháo nổ. 

Nhờ sự cố gắng và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của công an TP Hà Nội nên tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ đã có chuyển biến đáng kể. Với những nỗ lực ấy, chắc chắn người dân Hà Nội sẽ đón một cái Tết bình yên, không tiếng pháo.

Đề phòng pháo lậu từ các tỉnh tuồn vào Hà Nội

Theo Đại tá Lê Học Thu - Trưởng phòng Quản lý hành chính - CATP Hà Nội, CATP Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra tại 12 quận, huyện và 28 phường, kết quả thực hiện công tác phòng chống pháo nổ rất nghiêm. Nhiều phường, đã thực hiện việc ký cam kết không đốt pháo nổ tới từng hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Số vụ vi phạm liên quan đến pháo nổ giảm 60% so với năm ngoái, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, bởi thực tế ở các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Bình, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ pháo lậu lớn, rất có thể từ đây sẽ tuồn vào Hà Nội.

Theo Đại tá Lê Học Thu, để có một cái Tết không tiếng pháo, Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền theo diện rộng, song cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền trọng điểm, xác định các đối tượng cần tập trung giáo dục, phòng ngừa răn đe. Bên cạnh đó, các điểm tuần tra nhân dân phải sáng đèn thường xuyên. Đặc biệt, cần đưa ra xét xử lưu động các vụ án vi phạm về pháo nổ, đồng thời hệ thống loa phát thanh cũng thông tin về các đối tượng vi phạm để răn đe phòng ngừa chung.