Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội:

Cách làm hay để giữ gìn ANTT

ANTĐ - “Sức mạnh và thành công lớn nhất của mô hình này là đã xây dựng, phát huy được tinh thần trách nhiệm cùng sự vào cuộc của người dân. Những mâu thuẫn nhỏ được giải quyết ngay từ cấp cơ sở sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ hình thành phức tạp”, Đại tá An Thanh Bình - Trưởng CAH Gia Lâm nhìn nhận về mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ở xã Văn Đức mà CAH đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện nhân rộng đến 22 xã, thị trấn trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ cơ sở của Văn Đức cũng tích cực tham gia công tác hòa giải

Gỡ rối từ nhiều phía

Về xã Văn Đức những ngày này, chúng tôi được nghe kể câu chuyện về sự hòa giải tài tình mâu thuẫn giữa 2 hộ gia đình anh Chử Văn S. và Trần Văn C. Nổi bật trong câu chuyện là tinh thần trách nhiệm cùng sự vào cuộc kịp thời, bền bỉ của Tổ hòa giải thôn Chử Xá. Đận ấy, anh S. xây dựng công trình phụ nhưng không trao đổi với gia đình anh C. hàng xóm. Sau khi anh S. xây xong, anh C. cũng làm cổng và khoan thẳng vào tường nhà anh S. Ác nỗi, vị trí ấy đúng nơi gia đình anh S. đặt bàn thờ tổ tiên. Mâu thuẫn phát sinh và trở nên nặng nề khi anh em, con cháu của hai gia đình cùng “vào cuộc”. Ẩu đả đã xảy ra.

Nắm bắt thông tin, Ban công an xã vào cuộc và xác định hoà giải mâu thuẫn từ cơ sở là biện pháp tốt nhất để hai gia đình hàn gắn được tình cảm. Tổ hoà giải thôn Chử Xá đã mời các thành viên trong hai gia đình đến nghe phân tích  đúng sai, nhưng không bên nào chịu nhường bên nào. Buổi hoà giải đầu tiên không thành. Mặc dù đã có biên bản ngăn chặn của lực lượng công an và sự phân tích của các hoà giải viên, nhưng hai bên gia đình có vẻ không bớt căng thẳng. Lúc này, biện pháp khác được triển khai, là “tung” các hội viên, đoàn viên Tổ hòa giải và đoàn thể tác động cả hai bên. Cùng với đó là tác động đến các dòng họ liên quan, rồi nội ngoại hai bên và hàng xóm láng giềng phân tích đúng sai, những tác hại, hệ lụy của mâu thuẫn. Sau khi đã phân tích thuyết phục kín kẽ, Ban hoà giải của xã chỉ đạo Tổ hoà giải các thôn mời hoà giải lần tiếp theo. Được đả thông tư tưởng, gia đình anh S. và anh C. đã hiểu ra. Anh C. tự nguyện tháo dỡ cổng và đến nay hai gia đình không còn mâu thuẫn.

Việc khó, có sức dân

Văn Đức là xã thuần nông, thuộc diện nghèo của huyện Gia Lâm. Bù lại, địa bàn giáp với 2 xã, 1 thị trấn của tỉnh Hưng Yên lại có vốn quý là tình làng nghĩa xóm, sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Chủ tịch xã Văn Đức, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, trong 5 năm qua, các vụ việc về ANTT, các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đều được hoà giải, giải quyết đạt kết quả tốt, không có trọng án xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, mô hình Tổ hòa giải 5 tốt thực hiện rất hiệu quả. 

Thế nào là “5 tốt”? Ngoài Ban hoà giải xã, tại 3 thôn ở Văn Đức từ 5 năm nay đã thành lập Tổ hoà giải với các tiêu chí: Phát hiện vụ việc tốt; phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể tốt; tổ chức hoà giải tốt; bồi dưỡng tập huấn cán bộ tốt; và định kỳ giao ban báo cáo, sơ kết tốt. Ban và Tổ hòa giải đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm nắm bắt và hoà giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh, những vấn đề dân sinh bức xúc có thể dẫn đến khiếu kiện hoặc vi phạm pháp luật. Đa phần hòa giải viên cơ sở là những người được nhân dân tín nhiệm, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và có kinh nghiệm trong công tác hoà giải. Hàng tháng, hàng quý, Ban hoà giải của xã tổ chức họp giao ban với Tổ hoà giải của các thôn để đánh giá kết quả hoạt động. Các tổ thực hiện việc mở sổ sách theo dõi trong từng lĩnh vực như đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình...

Nguyên tắc đặt ra là các Tổ hoà giải triển khai công tác hoà giải mâu thuẫn ngay tại thôn, xóm và hạn chế thấp nhất vụ việc mâu thuẫn phải đưa đến Ban hoà giải xã. Trong 5 năm trở lại đây, Ban và Tổ hoà giải ở Văn Đức đã hòa giải thành công 120/144 vụ việc. Những mâu thuẫn khác - số vụ việc hoà giải không thành đã chuyển cấp trên giải quyết theo thẩm quyền. “Hiện nay, xã không còn vụ việc nào tồn tại mà chưa giải quyết. Do làm tốt công tác hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đã góp phần tích cực làm ổn định tình hình ANTT, góp phần tích cực trong phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của địa phương”, Chủ tịch xã Nguyễn Đức Hùng chia sẻ.

Niềm vui đến với đội ngũ Hòa giải viên Văn Đức, là Giám đốc CATP Hà Nội vừa quyết định tặng Giấy khen cho 3 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai và thực hiện mô hình “5 tốt”. Những việc tốt ở Văn Đức đã và đang được huyện Gia Lâm nhân rộng...