2 trạng thái cảm xúc khiến con trẻ bỗng dưng nổi máu côn đồ

ANTĐ - Vụ đánh bạn dã man ngay trong lớp học được cho là tại Hà Nội, mấy ngày qua một lần nữa khiến dư luận kinh hoàng...

6-7 cô gái xông vào tấn công bạn gái mình không ngừng nghỉ, có tổ chức, người quay clip chỉ đạo, thậm chí còn nhắc bạn: "Thôi tụi bây không đánh nữa, đánh nữa là nó chết đấy!" cho thấy tự độc ác, lạnh lùng, vô cảm của những đứa trẻ mặc đồng phục ngồi trên ghế nhà trường.

Có vẻ như bao lực nhà trường càng chống càng bùng phát, dữ dội và tàn khốc hơn.

Chắc chắn các bậc cha mẹ có con là thủ phạm trên đây cũng không tưởng tượng được tại sao con mình bỗng dưng trở nên như vậy.

Vụ đánh hội đồng nữ sinh xảy ra ngay tại lớp học

Theo các nhà tâm lý, có 2 trạng thái cảm xúc khiến con trẻ bỗng dưng nổi máu côn đồ. Đó là trạng thái thiếu kiểm soát cảm xúc và thiếu kiềm chế bản thân, nhất là khi bị rơi vào môi trường kích thích, adua đám đông và say máu.

Giải pháp nào giúp con trẻ nâng cao khả năng làm chủ cảm xúc, làm chủ bản thân trong những tình huống kích động và đầy hiểm nghèo như vậy?

Cảm xúc hiểu một cách giản đơn là những gì hình thành từ trạng thái cơ thể như tư thế, ánh mắt, cử chỉ, hành động… và hình thành từ và suy nghĩ của mỗi người. Trạng thái cơ thể và những suy nghĩ tạo ra cảm xúc và cảm xúc tác động ngược trở lại cơ thể và suy nghĩ của chúng ta.

Muốn làm chủ được cảm xúc, chúng ta phải nhận diện và phân biệt được mọi tín hiệu của cơ thể và của suy nghĩ. Muốn làm chủ được cảm xúc người khác, khả năng này phải cao hơn rất nhiều. Khi làm chủ được cảm xúc, những quyết định hành vi của chúng ta sẽ được cân nhắc và chúng ta không mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

Không chỉ đánh đập, nữ sinh này còn bị lột sạch cả nội y

Cơ thể chính là nguồn gốc của cảm xúc, khi cơ thể ở trạng thái tích cực bạn sẽ có những cảm xúc tích cực, ngược lại khi cơ thể ở trạng thái tiêu cực, cảm xúc sẽ tiêu cực. Khi bạn đang trong trạng thái không hài lòng về một vấn đề nào đó, mọi điều xảy ra trước mặt – dẫu hết sức bình thường – cũng khiến bạn tức giận. Lúc này mọi tín hiệu của cảm xúc chảy rần rật trong con người bạn: tim đập nhanh, môi mím chặt, não khùng điên, chỉ muốn la hét, đập phá... Nếu không điều chỉnh lại kịp thời, bạn sẽ biến điều “muốn” đó thành hành vi thật sự. Cái kiểu hành vi này được coi là “tìm chỗ trút cho hả giận”.

Giải pháp lúc này là bạn phải điều chỉnh cơ thể ngay lập tức, hãy buông lỏng cơ thể, thả lỏng tay chân, hít thở thật sâu và đều. Đảm bảo chỉ trong tích tắc bạn sẽ giảm bớt được sự ức chế của mình.

Tất nhiên để làm được như vậy, ta lại cần phải có thời gian để rèn luyện và rút kinh nghiệm. Sau mỗi lần mất bình tĩnh, hãy tự nghĩ cách trừng phạt bản thân. Ví dụ, hãy đóng cửa và tự xỉ vả mình. Hãy nhìn vào gương, tát thật mạnh vào mặt mình và tự hứa sẽ không bao giờ tái phạm… Những lần tự vấn và trách phạt bản thân đó sẽ giúp bạn kiềm chế hơn nếu rơi vào trạng thái kích động vì tức giận một lần nữa.

Thứ hai là phải điều chỉnh suy nghĩ. Cũng giống như cơ thể, suy nghĩ cũng là nguồn gốc sinh ra cảm xúc và suy nghĩ bị chi phối bởi hình ảnh và từ ngữ.

Nữ sinh bị đánh đập, hành hạ dã man, mà không ai can ngăn

Gặp kẻ khiến bạn ghét cay ghét đắng, hẳn gương mặt, lời nói, cách đi lại, cười đùa của người ta cũng khiến bạn ghét kỳ lạ. Và bạn nghĩ ngay đến những điều tiêu cực, cái sự ghét vì thế càng tăng dần lên khiến bạn khó chịu, khiến bạn muốn hành động. Nhưng giả sử bạn cố gắng nhớ lại những điều tốt của họ, như trước đó họ đã giúp đỡ mình, đã nói điều hay lẽ phải cho mình nghe, đã cho mình mượn vở, thước kẻ, đã chỉ cho mình bài toán khó…, những hình ảnh tích cực sẽ khiến tâm tư bạn dịu lại. Có thể cảm xúc với đối phương không từ ghét thành yêu, nhưng có thể là sự tôn trọng nhau hơn, thiện cảm với nhau hơn.

Từ ngữ tích cực sẽ hình thành cảm xúc tích cực. Vì thế, khi nổi giận hãy tự “độc thoại” với mình bằng những từ ngữ tích cực “bình tĩnh, bình tĩnh, thường thội mà” chẳng hạn.

Mọi lí thuyết chỉ là để bổ trợ, điều quan trọng nhất vẫn là lựa chọn của mỗi người. Suy cho cùng cảm xúc của ta cũng chỉ là một sự lựa chọn, lựa chọn “nổi giận” hay lựa chọn một sự “hòa bình” tùy thuộc vào nhận thức của từng đứa trẻ. 

Các bậc cha mẹ hãy hiểu những điều đó, để dạy dỗ và can gián con mình, phòng tránh cho con khỏi những cơn bốc đồng, nổi máu côn đồ đáng tiếc.