Vô tư “mượn” tiền dân

ANTĐ - Thực tế, có nhiều chủ đầu tư thu tiền của người dân nhưng dự án không triển khai hoặc chỉ động thổ “lấy ngày đẹp”, nhà không xây dựng, tiền thuế cũng không nộp cho Nhà nước. Như vậy là vừa lừa dân, vừa lừa cả Nhà nước. Hành vi này cần phải xử lý hình sự chứ không chỉ phạt hành chính là xong. Khi cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản, một số đại biểu Quốc hội đã kiến nghị như vậy; đồng thời khẳng định có mạnh tay thì mới ngăn chặn được hành vi lừa đảo, chụp giật, trong kinh doanh bất động sản. 

Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai... chỉ rõ, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản có ảnh hưởng và tác động rất lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, song hiện mới chỉ quy định “cấm chiếm dụng vốn trái phép, phải sử dụng đúng mục đích cam kết”. Nhưng nếu hợp đồng không ghi rõ nội dung này thì vẫn sẽ có lỗ hổng cho chủ đầu tư lợi dụng chiếm dụng tiền của người dân. Vì thế, một số đại biểu đề nghị phải bổ sung các định chế để Nhà nước có thể bảo vệ người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở. Chẳng hạn, khi góp vốn để mua nhà, thuê nhà ở hình thành trong tương lai, bắt buộc tiền góp vốn phải được ký gửi ở một ngân hàng do chủ đầu tư quy định trong hợp đồng.

Người góp vốn và đại diện góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng, chủ đầu tư công khai, minh bạch, việc sử dụng tiền của họ. Ở các nước, người góp vốn thuê luật sự giám sát số tiền này rất chặt, nếu mang đi làm việc khác thì sẽ xử lý hình sự, chứ không có chuyện “mượn” tiền vô tội vạ như ở nước ta. Thời gian qua, ở nhiều địa phương không ít dự án hầu như chưa làm gì ngoài phần móng, song chủ đầu tư đã thu tới 50-70% giá trị căn hộ rồi đem đi đầu tư vào chỗ khác, gây thiệt hại cho người mua. Trong khi đó, việc cấp phép đầu tư khu đô thị mới, phát triển nhà không căn cứ vào kế hoạch, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Chính những quy định quá chung chung, rất khó thực hiện đã tạo khe hở, lặp lại hiện tượng phát triển bất động sản “ảo”, tạo gánh nặng cho nền kinh tế. 

Về quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng, ý kiến của một số đại biểu cho rằng, mức này là quá thấp. Dự án hàng nghìn mét vuông mà vốn chỉ có 20 tỷ đồng thì khác nào “muối bỏ biển”. Đây là lỗ hổng lớn khiến chủ đầu tư vô tư “mượn tiền” dân để tăng năng lực tài chính, “ném” tiền đầu tư, làm ăn thu lời bất chính.