Tổng cầu vẫn yếu

ANTĐ - Theo dõi tốc độ tăng - giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá vàng, giá USD tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014, có 3 vấn đề đặt ra. CPI có xu hướng cao lên từ mấy tháng nay; tính chung 7 tháng thuộc loại thấp nhất trong nhiều năm qua và khả năng cả năm CPI sẽ tăng thấp nhất từ năm 2004 đến nay. Mặc dù CPI hàng tháng đã cao lên trong mấy tháng nay, nhưng tính chung CPI 7 tháng qua vẫn thấp nhất so với cùng kỳ trong 13 năm qua.

Lý giải việc CPI tăng cao dần, nhiều chuyên gia nhận định không phải do nguồn cung sụt giảm, trái lại GDP còn có xu hướng cao lên: quý I tăng 5,09%, quý II tăng 5,25%. Cũng không phải do tổng cầu tăng cao mà chỉ tăng rất nhẹ, có bộ phận còn giảm, nhất là các doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Chuyện “ra-vào” thị trường là bình thường, nhưng số doanh nghiệp “rút chân” tăng liên tục trong thời gian tương đối dài, nhất là số doanh nghiệp đã “sống sót” được đến nay mà vẫn lao đao, phá sản, ngừng hoạt động là điều không bình thường. Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên dù được chỉ đạo liên tục, mạnh mẽ nhưng vẫn chuyển biến chậm.

Theo dõi diễn biến CPI trong mấy tháng qua cho thấy, sự tăng cao dần có phần quan trọng là do sự tăng lên của giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế. Giá điện tháng 6 thực ra không tăng mà chỉ là “cơ cấu lại”, song không hiểu sao mà số chi tiền điện của người dân Hà Nội, TP.HCM nhiều gấp 2-3 lần tháng trước. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ngành điện là ngành độc nhất có quyền “treo cân” đo điện trên cao mà người mua không thể nhìn… mặt cân. Còn giá xăng dầu từ đầu năm đã leo thang đến 5 lần. Vấn đề thứ hai là CPI 7 tháng qua tăng thấp nhất trong hơn chục năm qua, chủ yếu do tổng cầu yếu. Tổng cầu yếu từ mấy năm nay thể hiện ở tỷ lệ tích lũy, vốn đầu tư và tiêu dùng thấp hơn GDP, năm 2012 là 3,5% và năm 2013 là 4,1%.

Trong khi tổng cầu yếu, giá một số hàng hóa, dịch vụ tăng, số tiền chi cũng tăng lên, khiến cho sức mua, chi tiêu cho các loại hàng hóa, dịch vụ khác yếu đi. Đây là vấn đề cần quan tâm, cân nhắc khi điều chỉnh giá theo lộ trình. Các chuyên gia dự báo, cả năm CPI sẽ tăng dưới 6%, dư địa tăng còn nhiều theo mục tiêu Quốc hội đề ra là 7%. Trong khi tổng cầu vẫn yếu ớt thì người tiêu dùng vẫn “buộc bụng”, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại còn tâm lý “co cụm”, khi nợ xấu chưa giảm, sức tiêu thụ ì ạch.