Tồn kho vẫn khó mua

ANTĐ - Nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay rất lớn, có tới 1,74 triệu người có thu nhập thấp và khoảng 1,75 triệu công nhân có nhu cầu bức thiết về nhà ở, tương đương 700.000 căn hộ. Trong đó, Hà Nội cần 110.000 căn, TP.HCM cần 130.000 căn, riêng cán bộ các cơ quan Trung ương có nhu cầu mua 30.000 căn. Theo báo cáo thực hiện gói cho vay 30.000 tỷ đồng, đến cuối tháng 7, mới chỉ có 139 hồ sơ được vay vốn ngân hàng mua nhà ở xã hội. Vì vậy, ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở xã hội và thị trường bất động sản vừa tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp và địa phương để tìm cách tháo gỡ vướng mắc. 

Bộ Xây dựng nhìn nhận, sau hơn hai tháng triển khai, cả nước mới có 139 khách hàng được vay từ gói hỗ trợ và hai doanh nghiệp được vay hơn 650 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ giải ngân được 34 tỷ đồng. Phát sinh vướng mắc chính từ phía ngân hàng thương mại vì chỉ cho vay khách hàng tiềm năng, có tài sản bảo đảm, do vậy nhiều doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù đại diện các ngân hàng được giao nhiệm vụ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng có “thanh minh” rằng họ rất tích cực triển khai tại các hội sở chính và chi nhánh, tổ chức các lớp đào tạo, liên tục cập nhật vướng mắc để tháo gỡ, thế nhưng, Chủ tịch một số hiệp hội bất động sản lại phản ứng mạnh và cho biết, thực tế nhiều khách hàng và bản thân hiệp hội đến gõ cửa hỏi vay tiền tại nhiều chi nhánh ngân hàng ở địa phương đều nhận câu trả lời “chưa có hướng dẫn của hội sở”. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn đòi chủ đầu tư trình “sổ đỏ” thì mới cho người dân vay.

Trong khi đó, các dự án mới chỉ đang triển khai hoặc chưa xây xong thì kiếm đâu ra “đồ quý” đó? Ấy là chưa kể, khi cho vay, một số ngân hàng còn yêu cầu khách hàng khi vay phải chứng minh thu nhập để đảm bảo khả năng trả nợ, trong khi phần lớn hộ gia đình, cá nhân đều có thu nhập thấp! Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng, với mức thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng, nếu mua một căn hộ khoảng 800 triệu đồng, trừ 170 triệu đồng phải nộp ngay, số tiền còn lại phải vay ngân hàng với lãi suất hiện nay, mỗi năm người vay phải trả 40 triệu đồng tiền lãi, chưa kể tiền nợ gốc thì cán bộ công nhân viên khó sở hữu được căn hộ. Bởi vậy cần xem xét lại chính sách và lãi suất để làm sao cán bộ công nhân viên có thu nhập thấp có thể mua được nhà ở. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, báo cáo của 56 sở xây dựng trên cả nước còn tồn kho chung cư gần 28.000 căn, nhà thấp tầng 15.000 căn, đất nền nhà ở gần 9 triệu m2, đất nền nhà thương mại hơn 2 triệu m2.

Rõ ràng là thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội đang tồn tại một nghịch lý: tồn kho mà vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, khó mua nhà. Nếu các ngân hàng không tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì “tảng băng” bất động sản sẽ ngày càng đông cứng hơn.