Tìm ra giải pháp gốc

ANTĐ - Không chỉ tập trung phân tích, đánh giá những vấn đề vĩ mô như nợ xấu, tái cơ cấu nền kinh tế, thu chi ngân sách Nhà nước, các đại biểu Quốc hội còn lưu tâm tới  thực trạng năng suất lao động thấp của nước ta đã và đang trở thành hòn đá tảng ngáng trở đà tăng trưởng kinh tế. Nhiều đại biểu kiến nghị những giải pháp để nâng cao năng suất lao động cùng những hiến kế nhằm tăng chất lượng nguồn nhân lực. 

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới công bố cho thấy, năng suất lao động của người Việt Nam được xếp ở nhóm thấp nhất khu vực: thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, thấp hơn Malaysia 5 lần và Thái Lan 2,5 lần. Không chỉ có vậy, năng suất lao động của nước ta đang giảm dần, giai đoạn 2002-2007 tăng trung bình 5,2%, nhưng từ năm 2008 đến nay năng suất chỉ tăng 3,3%. Theo ILO, năng suất lao động bằng Tổng sản phẩm quốc nội GDP chia cho tổng số người làm việc trong nền kinh tế, tức là năng suất lao động được đo bằng sản phẩm nội địa theo đầu người. 

Theo Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có tổng sản phẩm nội địa dưới 1.000 USD/người/năm thì được xếp vào nước nghèo, Việt Nam mới thoát nghèo vào năm 2008. Đến năm 2013, khoảng cách về thu nhập đầu người hay năng suất lao động giữa các nước với Việt Nam đã thu hẹp đáng kể và đây là một thành tựu đáng ghi nhận. Trả lời câu hỏi vì sao năng suất lao động của người Việt Nam thấp, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là chất lượng lao động với nhiều hạn chế như lực lượng đông nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Tỷ trọng lao động trong nông - lâm - thủy sản rất lớn nhưng năng suất lao động chỉ bằng 25% của ngành nông nghiệp, chế biến và bằng 36% ngành dịch vụ. Trong khi đó, trình độ công nghệ thấp so với khu vực, hàm lượng công việc các ngành xuất khẩu hầu như không thay đổi sau 10 năm. Đặc biệt hệ thống giáo dục đào tạo nặng về lý thuyết hơn kỹ năng, thiếu đội ngũ quản lý doanh nghiệp trình độ cao cũng như thiếu kỹ thuật viên, thợ lành nghề...

Để tăng năng suất và chất lượng lao động, các đại biểu Quốc hội kiến nghị 3 nhóm giải pháp cơ bản thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp và đổi mới giáo dục đào tạo. Nhóm giải pháp này sẽ trả lời được cả bốn câu hỏi: Lao động có đào tạo từ đâu? Khoa học, công nghệ từ đâu? Vốn từ đâu? Và, thị trường lao động từ đâu? Đây chính là giải pháp gốc cho tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho mỗi người lao động.