Tìm kịch bản tăng trưởng tối ưu

ANTĐ - “Kịch bản tăng trưởng của Việt Nam phải dựa trên những thực tế hiện có, bao gồm diễn biến thế giới cũng như dư địa thực tiễn để đưa ra những tính toán cụ thể”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại cuộc tọa đàm “Một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020)” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Theo “đặt hàng” của Ban Kinh tế Trung ương, đã có 3 báo cáo nghiên cứu độc lập của 3 nhóm được trình bày tại cuộc tọa đàm này. Tuy vậy, chưa có kịch bản nào được các chuyên gia nhất trí là khả thi nhất cho nền kinh tế 5 năm tới.

Bố cục của cả 3 kịch bản đều xoay quanh hai vấn đề chính là dự báo kinh tế thế giới, khu vực và tác động tới Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và đề xuất kịch bản tăng trưởng cùng các giải pháp chủ yếu. Song, cả ba đều chưa thể hiện được sự thuyết phục hoàn toàn cử tọa khi trình bày kịch bản tăng trưởng. Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để đi đến một kịch bản kinh tế khả thi nhất là vấn đề không đơn giản. Công tác nghiên cứu, tham mưu không chỉ là số liệu mà còn là vấn đề mô hình, hoàn thiện thể chế.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Chính phủ trong nhiều năm qua thường chỉ mang tính phấn đấu là chính và xa rời thực tế. Chẳng hạn, giai đoạn 2006-2010, kế hoạch đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP 7,5-8%/năm, nhưng kết quả chỉ đạt 7%. Đến giai đoạn 2011-2015, mặc dù còn hơn 1 năm nữa mới hoàn thành, nhưng chắc chắn, mục tiêu đề ra 6,5-7% là hết sức khó khăn.

Tại Diễn đàn Phát triển châu Á vừa diễn ra tại Hà Nội, các nhà quản trị kinh tế hàng đầu và các chuyên gia cảnh báo, Việt Nam thuộc nhóm các nước mất nhiều thời gian nhất để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trở thành nước phát triển. Bẫy thu nhập trung bình còn nguy hiểm hơn cả bẫy đói nghèo, bởi vì nhiều nước đã thoát đói nghèo nhưng vẫn loay hoay không thoát bẫy thu nhập trung bình. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, hiện có hai kịch bản phát triển: Kỷ nguyên châu Á có GDP cao gấp 10 lần năm 2010 hoặc một châu lục mắc sâu vào bẫy thu nhập trung bình, trong đó có thể gồm cả Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, đó là động lực cho phát triển của 30 năm trước, đến nay đã gần hết dư địa, vì vậy thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững lại khẩn thiết hơn bao giờ hết. Nếu Việt Nam thiếu quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế hoặc không tìm kịch bản tăng trưởng tối ưu thì chắc chắn chúng ta sẽ bị kẹt nhiều năm trong bẫy thu nhập trung bình. Nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại Diễn đàn Phát triển châu Á bởi vậy là hoàn toàn có cơ sở.