Thuốc “đình chỉ” không đủ liều

ANTĐ - Trong vòng chưa đầy 60 ngày, liên tiếp hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại công trình đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Rõ ràng, vụ việc rơi bó sắt trên công trình này làm chết 1 người, 2 người bị thương hôm 6-11 chưa đủ để cảnh tỉnh cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công. Người dân hàng ngày qua tuyến đường này có lẽ chỉ còn biết “cầu trời” để giàn giáo không sập, cẩu không đứt cáp...

Sau tai nạn thương tâm sáng 6-11, rất nhiều nguyên nhân khách quan – chủ quan đã được chỉ ra. Hàng loạt giải pháp mạnh đã được Bộ GTVT triển khai nhằm chấn chỉnh lại an toàn lao động ở công trình này. Nhiều cán bộ có trách nhiệm đã bị đình chỉ công tác. Phương án thi công đã được rà soát lại và theo lời người có trách nhiệm của Bộ GTVT thì “phương án mới phải được Bộ GTVT chấp thuận, công trình mới được thi công trở lại”. Người dân đã tin rằng, với những giải pháp quyết liệt, kỷ luật thi công đã được siết lại thật chặt và sẽ không có thêm những sự cố tương tự. Thế nhưng, chỉ sau hơn 30 ngày thi công trở lại sau khi được Bộ GTVT cho phép, một sự cố khác, còn nghiêm trọng hơn đã xảy ra tại dự án này, cách không xa nơi 1 người đã thiệt mạng hồi đầu tháng 11. Cũng may, lần này, do sự cố xảy ra lúc 3h45 sáng nên không có người tử vong.

Ở đây, không thể chỉ đổ lỗi cho đơn vị thi công tắc trách. Tư vấn giám sát, cơ quan quản lý dự án (Ban quản lý dự án Đường sắt - Bộ GTVT), cơ quan quản lý an toàn lao động, an toàn công trình (thuộc ngành Xây dựng, ngành LĐ-TB&XH) với đầy đủ ban bệ đã ở đâu, làm những gì sau lời cảnh báo nghiêm khắc hôm 6-11? Sau sự cố rạng sáng qua, người dân có quyền nghi ngờ về khả năng kiểm soát, điều hành của những cơ quan này. 

Trong ngày 28-12, Bộ GTVT đã tức khắc đình chỉ công tác một loạt cán bộ liên quan, trong đó có ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) - người trực tiếp phụ trách hạng mục xảy ra tai nạn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Giải pháp này đã thành “thông lệ” nhưng “đình chỉ, kiểm điểm” có lẽ không đủ mạnh để chấn chỉnh an toàn lao động trên công trình này. Sự cố sáng 28-12 cho thấy, xử lý hành chính trách nhiệm cá nhân đã không giúp việc thi công an toàn hơn. 

Công trình đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông đang tăng tốc để về đích vào cuối năm 2015. Yêu cầu thi công gấp rút song không thể vì thế mà mất an toàn lao động. Không được phép có thêm bất cứ tai nạn lao động nghiêm trọng nào trên công trình này làm ảnh hưởng tới tính mạng người tham gia giao thông. Giải pháp nào để đảm bảo điều đó thuộc về Bộ GTVT và những cơ quan, đơn vị có liên quan. Chỉ xin nhắc lại yêu cầu số 1: “Không thể vô cảm với tính mạng người dân”.