Thị phần đang mất dần

ANTĐ - Hàng tiêu dùng nội địa đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm bởi làn sóng hàng nhập khẩu có thuế suất bằng 0 từ các nước ASEAN, nhất là hàng hóa từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các hiệp định thương mại tự do mở cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu, nhưng cũng là mở cánh cửa cho hàng ngoại ồ ạt vào nước ta. Rào cản lớn nhất của hàng hóa nước ngoài đối với người tiêu dùng là giá cả, nhưng với việc thuế quan được dỡ bỏ, hàng tiêu dùng nội địa thực sự bị lép vế ngay trên sân nhà.
Thị phần đang mất dần ảnh 1

Ảnh minh họa: Internet

Theo biểu thuế thu nhập khẩu ưu đãi Hiệp định đối tác ASEAN-Nhật Bản, từ ngày 1-4 đã có 3.234 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0. Nhưng trước đó, các nhà bán lẻ nước này đã nhảy vào trước “dọn đường”. Tương tự, cơn lốc hàng Thái cũng đã đổ bộ vào nước ta qua hệ thống phân phối len lỏi khắp nơi. Thái Lan cũng thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm tại Việt Nam trong nhiều năm qua để tạo thói quen mua sắm cho người Việt.

Theo quan sát của giới chuyên gia thị trường, các công ty bán lẻ nước ngoài đưa hàng vào nước ta thường dùng một “đòn hiểm” khi giảm dần tỷ suất lợi nhuận nên giá cả hết sức cạnh tranh so với hàng nội. Hàng Việt Nam có nguy cơ đuối sức khi cơn lốc hàng tốt, giá phải chăng của các nước tràn vào. Một số chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ, đừng đổ oan cho người tiêu dùng sính hàng ngoại. Chính các doanh nghiệp nội địa đã đẩy người Việt đến sự lựa chọn bắt buộc này do coi thường chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng. Người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi về tính trung thực của hàng hóa nội địa bởi nhiều năm nay luôn tồn tại tình trạng hàng chất lượng tốt nhất thì dành cho xuất khẩu mang về ngoại tệ, còn hàng lỗi, kém chất lượng để bán trong nước.

Trong khi đó, hàng hóa Thái Lan, nhất là hàng Nhật nhập khẩu giá tương đương, thậm chí đắt hơn chút nhưng vẫn được người tiêu dùng ưu chuộng vì uy tín, chất lượng. Họ không “mê tín” đến mức mua hàng ngoại kém chất lượng hơn, nhưng giá cả cao hơn hàng hóa sản xuất trong nước. Trên thị trường hiện nay, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản đều mác “Made in China”. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, bởi Nhật Bản có hệ thống kiểm soát chất lượng rất khắt khe. Họ tuân thủ chặt chẽ theo chuẩn quốc tế từ khâu nguyên liệu đến gia công.

“Mổ xẻ” những điểm mạnh của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu cũng là gián tiếp chỉ ra những điểm yếu của hàng sản xuất trong nước. Lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường là kênh kết nối sản xuất với người tiêu dùng. Đáng lo ngại là, kênh phân phối, tiêu thụ lại do nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát. Doanh nghiệp nước ta đang để mất dần thị phần ngay trên sân nhà đã thấy rõ, chứ không còn là nguy cơ.