Theo hướng linh hoạt hơn

ANTĐ - “Hiện nay, mức lạm phát cơ bản của nước ta đang là 2,4%. Với tốc độ tăng trưởng 7-7,5%, mức lạm phát 3-3,5% là hợp lý nhất”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định và nhấn mạnh, bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng đang tăng lên, cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế cả năm khả quan hơn năm ngoái. Bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm cũng phản ánh chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng và sức mua tăng dần.

Mới đây, Ngân hàng HSBC đã công bố báo cáo đánh giá lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 2, với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng nhanh hơn so với đầu năm. Giá cả đầu vào tiếp tục giảm mạnh khi chi phí xăng dầu giảm, điều này làm cho giá cả đầu ra giảm đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong 6 tháng liền, sản phẩm có chất lượng tốt hơn và giá cả cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng giảm không phải là hiện tượng giảm phát của nền kinh tế, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm mạnh, tác động làm giảm chỉ số các nhóm hàng vận tải, nhà ở và vật liệu xây dựng. Nếu tính về lạm phát cơ bản (loại trừ biến động giá lương thực, thực phẩm và mặt hàng do Nhà nước quản lý gồm cả dịch vụ y tế, giáo dục), thì tháng 2 vẫn tăng 0,36% so với tháng trước; bình quân 2 tháng đầu năm tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Bộ trưởng phân tích thêm, giảm phát kinh tế được phản ánh qua hiện tượng cung vượt cầu dẫn tới suy giảm sản xuất trong nước. Song, tình hình sản xuất trong nước 2 tháng đầu năm vẫn phát triển khá. Tán thành với nhận định này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm, chỉ số giá tiêu dùng giảm trong tháng Tết, ngoài yếu tố giá nhiên liệu giảm, còn do công tác bình ổn giá được các ngành, địa phương làm tốt và nguồn cung hàng dồi dào. Tuy nhiên, theo Thống đốc, không thể chủ quan, lơ là với diễn biến giá xăng dầu thế giới và lạm phát trong thời gian tới. Từ xu hướng diễn biến lạm phát cho thấy đã có dư địa để điều chỉnh các chỉ tiêu đi kèm cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nền kinh tế, trong đó có khả năng tiếp tục nới lỏng phần nào chính sách tiền tệ với việc giảm lãi suất trung và dài hạn.

Đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng, để nền kinh tế có thể về đích đạt mục tiêu năm 2015, chúng ta nên xem xét, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa theo hướng linh hoạt hơn. Theo đó, có thể nới lỏng mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng lên mức 16-17%, song phải hướng được dòng tiền chảy vào sản xuất, chứ không phải đổ vào bất động sản hay chứng khoán.