Thay đổi về căn bản

ANTĐ - Theo Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua, từ tháng 7-2015, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì mới được xem là doanh nghiệp Nhà nước, thay vì chỉ nắm 51% như hiện nay. Quan điểm này rất mới, chỉ xuất hiện trong bản dự thảo cuối cùng trình Quốc hội để thông qua. Trong các buổi thảo luận, tranh luận, quan điểm 100% đã thắng thế so với quan điểm 51% do tâm lý của các đại biểu là muốn có sự cải cách về quan điểm để dẫn đến sự thay đổi về vốn và quản trị. Thay đổi này sẽ mang lại sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, nhất là sự công bằng cho doanh nghiệp dân doanh.

Với quy định mới này, một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng “vòng kim cô” sẽ được nới lỏng, có nghĩa là tiến trình cổ phần hóa có khả năng được đẩy mạnh hơn. Tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước chỉ có thể đi vào thực chất khi họ phải kinh doanh trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh, cải thiện về quản trị, minh bạch về kế toán, bị áp ngân sách “cứng” và tách bạch được chức năng chủ sở hữu và quản lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, quy định mới sẽ giúp thúc đẩy cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn, đồng thời thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Họ thấy không bị kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra, không bị các bộ, ngành quản lý thì họ mới muốn mua cổ phần. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương nhận xét, tất cả những doanh nghiệp Nhà nước, mà theo quy định là có cổ phẩn của Nhà nước từ 51% trở lên, vẫn phải tuân thủ đầy đủ chế độ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kế toán, tiền lương hay sự can thiệp rất tùy tiện nào đó. Những quy định này gây áp lực rất lớn khiến các doanh nghiệp hết sức gò bó, không thể linh hoạt được. Từ đầu năm tới nay chỉ có vỏn vẹn 100 doanh nghiệp được cổ phần hóa, quá ít so với 432 doanh nghiệp phải hoàn thành trong 2 năm 2014-2015 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tại diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch -  Đầu tư đưa ra khái niệm mới về doanh nghiệp Nhà nước sẽ chi phối tiến trình cải cách khu vực này. Tại cuộc họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tái cơ cấu không chỉ nặng về số lượng của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Vốn tư nhân mà chỉ có 3-5% thì không thể thay đổi bản chất doanh nghiệp Nhà nước, cần phải cao hơn, từ 70-100%. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cũng đồng tình khi cho rằng, cần giảm tập trung vào số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, thay vào đó cần chú trọng đến chất lượng.