Thận trọng kích cầu tín dụng

ANTĐ - Những tín hiệu mới từ nền kinh tế cho thấy, hoạt động sản xuất tiêu dùng trong nước đang phục hồi mạnh mẽ. Lạm phát được duy trì ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ giúp tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2015 đạt mức 6,5% so với mức dự báo 6,4% trước đó. Sự phục hồi thể hiện qua tăng trưởng sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm đạt 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 5,6% của cùng kỳ năm 2014 và là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012. Đó là nhận định trong báo cáo kinh tế vĩ mô “Nhu cầu nội địa của Việt Nam đang quay trở lại”, vừa được Ngân hàng ANZ Việt Nam công bố.

Theo báo cáo này, hoạt động chế biến, chế tạo chiếm 70% tổng sản lượng công nghiệp đã tăng tốc đáng kể, ở tốp dẫn đầu tăng trên 40% so với cuối năm 2014. Cầu nội địa phục hồi còn được thể hiện ở đầu tư đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Đặc biệt, doanh số bán lẻ trong hơn 2 tháng đầu năm khởi sắc, đạt tốc độ tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, do lạm phát duy trì ở mức thấp, trong vài tháng qua, tốc độ tăng trưởng thực của doanh số bán lẻ chỉ đạt bình quân 13,7%, nhưng vẫn được đánh giá là nhanh trong 5 năm qua. Một chỉ số khác cho thấy nhu cầu nội địa đang tốt lên, đó là chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong 2 tháng lên 142,3 điểm, vượt xa mức trung bình của năm 2014 (133,3 điểm). Với diễn biến đó, các chuyên gia của ANZ nhận định, lạm phát của Việt Nam trong năm 2015 sẽ ở mức 2,6%.

Đáng chú ý, dự báo này thấp hơn nhiều so với mức trước đây là 3%. Với triển vọng lạm phát như vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có đủ dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong năm nay vì tăng trưởng đang ở dưới mức tiềm năng. Điều này trở nên cấp thiết khi Ngân hàng Thế giới nhận định, khả năng tiếp cận vốn tín dụng vẫn là một trong những khó khăn hàng đầu trong kinh doanh và đầu tư. Trên bảng tổng sắp của 189 nền kinh tế, Việt Nam được nâng vị trí xếp hạng lên 36 về khả năng dễ dàng tiếp cận tín dụng. Song, thứ tự xếp hạng này chưa phản ánh đúng mức thực trạng khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đón thông điệp phải giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn ít nhất 1-1,5%/năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 3-2015, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 0,2-0,4%/năm. Tut nhiên, do giá điện, xăng dầu tăng và áp lực về tỷ giá VND/USD, việc giảm tiếp lãi suất bị chững lại. Ngân hàng rất muốn kích cầu tín dụng, nhưng cũng hết sức thận trọng khi tung ra sản phẩm và lãi suất, bởi khó tìm được khách hàng tốt. Hầu hết các ngân hàng đều dồi dào vốn nhưng doanh nghiệp vẫn “đói” vốn, bài toán này chưa tìm ra lời giải thỏa đáng.