Tạo xung lực tăng trưởng

ANTĐ - Mặc dù giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,5%, song trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam của ANZ vừa công bố cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng tăng cao hơn. 

Thông thường tăng trưởng quý I luôn thấp nhất so với các quý trong năm. Nhưng ngay từ quý đầu năm nay, GDP đã đạt tốc độ tăng trưởng tới 6,03% so với cùng kỳ năm 2014, báo hiệu sự khởi đầu hứa hẹn. Tăng trưởng GDP chứng tỏ cầu nội địa đã bắt đầu hồi phục.

Cụ thể, tăng trưởng ngành công nghiệp quý I đạt 9%, cao nhất trong 3 năm qua. Sản lượng công nghiệp tăng tới 11,4% so với mức 5,1% của năm 2014. Đặc biệt, chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân đã cao hơn, đạt 142,3 điểm so với 113,3 điểm năm 2014. 

Theo báo cáo của ANZ, với tăng trưởng tín dụng quý I đạt 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi suất liên ngân hàng gia tăng đáng kể cho thấy, nhu cầu tín dụng nội địa đã có sự phục hồi. Tuy vậy, tín dụng cần phải hướng đến việc ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhìn ở tầm vĩ mô, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh giá của ANZ phù hợp với bức tranh kinh tế đang khởi sắc, giúp tăng trưởng tín dụng được cải thiện. Song, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề phân bổ ngân sách Nhà nước cho địa phương cần phải phân cấp triệt để và rạch ròi. Đây là kênh vốn lớn từ Trung ương rót về địa phương, hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cũng như các doanh nghiệp có sức phục hồi nhanh chóng.

Tăng trưởng kinh tế của các địa phương, nhất là hai đầu tàu kinh tế của cả nước cũng như một số vùng trọng điểm kinh tế, góp phần rất lớn cho tăng trưởng GDP của cả nước. Chính vì vậy, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra, nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng, để tạo xung lực tăng trưởng, khoản ngân sách Trung ương phải trở thành “máu thịt” của địa phương, không nên tạo tâm lý “xin-cho” rất nguy hại.

Cách tốt nhất là nên giao cho địa phương, tất nhiên Trung ương phải quản lý, nhưng phải coi đây là ngân sách của địa phương, phải được địa phương bàn bạc, tính toán và sử dụng hợp lý. Để ngăn chặn tình trạng sai phạm thu, chi vượt dự toán, nhiều đại biểu kiến nghị phải thay nghị quyết về ngân sách Nhà nước bằng một đạo luật. Quyền lực Nhà nước lớn đến đâu cũng thành “số 0” nếu không kiểm soát được ngân sách.

Khẳng định kinh tế vĩ mô phục hồi và khởi sắc rõ rệt, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ý kiến của các đại biểu cũng như một số chuyên gia cho rằng, nếu nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân cấp triệt để và rạch ròi cho các địa phương, chắc chắn sẽ tạo xung lực tăng trưởng cho cả nước.