Tạo môi trường ưu ái

ANTĐ - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi được coi là 2 mũi đột phá trong năm 2015, tạo điều kiện thông thoáng nhất, cởi trói, giảm chi phí tiếp cận thị trường xuống mức nhỏ nhất. 

Từ đó, tạo niềm tin để doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, môi trường kinh doanh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, đổi mới thể chế kinh tế là đòi hỏi cấp bách cả trước mắt và lâu dài. Chính phủ không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà còn tập trung phát triển kinh tế tư nhân, vốn được xem là rường cột để phát triển nền kinh tế quốc dân.

Thế nhưng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thừa nhận, nhiều luật sửa đổi rất cởi mở, thông thoáng nhưng nghị định, thông tư lại siết chặt, thậm chí đi ngược lại quy định của luật. Tình trạng này là do cơ quan soạn thảo luật và nghị định có khi là 2 đơn vị khác nhau nên tạo ra khung pháp lý trên mở dưới thắt. Điều đáng quan tâm là, còn tình trạng người thực thi công vụ thiếu công tâm, vì lợi ích cá nhân, lợi dụng kẽ hở để “hành” doanh nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong đổi mới thể chế năm 2015 và những năm tiếp theo, phải chuyển bộ máy từ quản lý sang phục vụ. Doanh nghiệp, người dân đóng thuế nuôi bộ máy, vì thế người thực thi công vụ phải tạo điều kiện để họ nộp được nhiều thuế.

Việc đánh giá, chấm điểm cán bộ, công chức phải dựa trên sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, chứ không phải tự đánh giá đã hoàn thành những nhiệm vụ gì. Tư tưởng coi doanh nghiệp là “bò sữa”  không phải là hiếm. Đây là điều không thể chấp nhận được trong năm 2015. Vì vậy, bộ máy phải chuyển mạnh sang phục vụ, đưa những người có phẩm chất, năng lực vào vị trí công tác phù hợp. “Tư lệnh” ngành Kế hoạch - Đầu tư chỉ rõ, phải chăm lo nhiều hơn tới phát triển doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân để họ trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế.

 Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang trình Chính phủ Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực chất là doanh nghiệp tư nhân với nhiều chính sách hỗ trợ mới. Theo đó, phải tạo nền tảng để doanh nghiệp hình thành thuận lợi nhất; chính sách tín dụng cho doanh nghiệp cũng phải ưu tiên hơn, có quỹ hỗ trợ và tạo thị trường bình đẳng, công bằng. Tư tưởng chủ đạo của luật này là tạo môi trường ưu ái nhất cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Nếu không phát triển được doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam không thể tăng trưởng tốt, để có được nền kinh tế vững mạnh và tự chủ trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng.