Sửa luật vì người lao động

ANTĐ - Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 chưa có hiệu lực đã không nhận được sự đồng thuận của người lao động, đối tượng bị điều chỉnh của điều luật. Người lao động đã phản ứng trước một chính sách cụ thể ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Những kiến nghị từ người lao động đã được Chính phủ lắng nghe. Nhiều đại biểu Quốc hội “cảm thấy xấu hổ, cảm thấy có lỗi, có phần trách nhiệm” trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa đi vào cuộc sống đã bị dư luận phản ứng. Không chỉ tự nhận lỗi, nhiều đại biểu còn đề nghị Quốc hội nhận lỗi, xin lỗi cử tri và sửa lỗi.

Tại phiên thảo luận tổ về Điều 60 Luật BHXH năm 2014, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí phải sửa điều luật này theo hướng linh hoạt, cho người lao động được nhận trợ cấp một lần. Phân tích tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, các đại biểu nhận định rằng, đây không phải là phản ứng có tính địa phương và thiểu số. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ rõ, hiện có nhiều chủ doanh nghiệp sử dụng chính sách khắc nghiệt với người lao động. Họ không ký hợp đồng với người lao động quá hai lần.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 80% người hưởng BHXH, có đến 72% người hưởng trợ cấp một lần có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 năm. Điều đó chứng tỏ rất đông người lao động muốn được làm việc lâu dài. Trong 4 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,5% nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng chiếm hơn 4,5% nên rõ ràng khả năng người lao động được quay lại làm việc là không cao. Do đó, họ muốn nhận trợ cấp một lần là điều dễ hiểu.

Người lao động cũng biết rõ rằng, nhận trợ cấp một lần sẽ gặp nhiều rủi ro song họ không còn sự lựa chọn khác. Một số đại biểu Hà Nội, TP.HCM chia sẻ thực trạng cuộc sống của người lao động hiện nay rất khó khăn, bữa ăn toàn thực phẩm rẻ tiền. Chính sách với người lao động là vấn đề lớn. Chính sách hiện nay đóng 5.000 đồng mà chỉ nhận được 4.500 đồng là chưa công bằng.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, Quốc hội nên sửa Điều 60 Luật BHXH năm 2014 để người lao động có quyền lựa chọn nhận BHXH một lần. Tiền BHXH thực ra là của người lao động nên họ có quyền quyết định. Người lao động nào cũng mong khi về già có lương hưu nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không phải ai cũng có thể chờ đợi hàng chục năm để lĩnh tiền BHXH. Vì vậy, cần sửa luật theo hướng có lợi cho người lao động.