Sách không phải thứ để đùa!

ANTĐ - Sách là một thứ mà bên trong nó, người đọc luôn cần và mong có sự đúng đắn, sự đảm bảo và tính chuẩn mực. Tiếc thay, những người yêu sách và còn giữ cho mình thói quen đọc sách giờ lại có thêm phản ứng nghi ngờ một cơ số sách mà họ tiếp cận. Lòng chân thành, nét hồn nhiên của người còn giữ được văn hóa đọc ngày nay đang bị tổn thương, bị phản bội khi trót gặp một cuốn sách dở, thậm chí là sách nhảm nhí. 

Người đọc sẽ nghĩ gì khi một ngày đẹp trời, ngồi ở một nơi tĩnh lặng như thư viện, giở một cuốn Từ điển Tiếng Việt có tên tác giả, có logo của một NXB đang ăn nên làm ra và uy tín, bỗng đột ngột vấp phải những khái niệm… trên trời rơi xuống như: bồ bịch là… bạn bè thân thích, đồn trưởng là… trưởng đồn, lâu đài là… lầu và đền đài, thơ ngây là… ngây thơ, cào cấu là… vừa cào vừa cấu, bản sắc là… màu tự nhiên, buồn cười là buồn… mà cười. 

Cho đến tận bây giờ, tác giả Từ điển thảm họa Vũ Chất cụ thể là người nào vẫn cứ bặt vô âm tín. Đành phải an ủi nhau rằng, thôi thì Cục Xuất bản đã thu hồi rồi. Có vẻ như năm nay là năm nhiều sóng gió với ngành xuất bản. Vụ từ điển Vũ Chất vừa im ắng thì báo chí lại phát hiện ra cuốn “Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” do NXB Lao động Xã hội ấn hành đã “sáng tạo” một cách vô lối với bìa sách là hình một người đàn ông trên người có độc mảnh vải bé tẹo, cơ bắp cuồn cuộn gánh cán cân công lý và mặt người đàn ông hớn hở đó lại là nghệ sĩ hài… Công Lý. Khỏi phải nói nghệ sĩ Công Lý đã bức xúc ra sao. Cũng không phải tả dư luận bất bình thế nào. Dưới bàn tay của những người làm cuốn sách kể trên, pháp luật chỉ là thứ mang ra để đùa.

Nếu đã nhắc đến các vụ vi phạm xuất bản mà lại không đề cập đến vi phạm trong sách thiếu nhi có lẽ là thiếu sót lớn. Trong “Leda và con thiên nga” thuộc cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” của NXB VHTT có đoạn viết thế này cho trẻ em đọc: “Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà xát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hóa đá”.

Một cuốn khác “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” - do nhà xuất bản Mỹ thuật và công ty Văn hóa Đinh Tị phát hành thì có đoạn: “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro/ Ông Nhăng bảo để bà kho/ Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng".  Các bậc cha mẹ có con nhỏ, đang tuổi đi học, nếu một ngày nào đó, bạn đang dạy con học làm toán, có một phép toán thế này thì đừng bao giờ ngạc nhiên: “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay"- Đó là bài toán trong tập sách “Phép cộng trừ trong phạm vi 100” được chú thích “dùng kèm với SGK lớp 1”. Sách thế này thì thê thảm quá!

Trở lại câu chuyện của ngày hôm nay, cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc”của NXB VHTT dù đã bị Cục Xuất bản có quyết định thu hồi thì nhiều người vẫn không khỏi bức xúc vì sự cẩu thả trong quá trình biên soạn. 

Sách  không phải thứ hàng hóa có thể làm ẩu, làm dối, để rồi mang lại hậu họa cho nhiều thế hệ. Thu hồi sách xấu, sách ẩu đã đành, phạt nặng cho chừa là một nhẽ, nhưng hơn hết là thái độ tẩy chay, cạch mặt của người đọc đối với những nhà xuất bản, nhà sách cẩu thả, nhắm mắt cho qua những thứ phế phẩm gây thảm họa cho văn hóa đọc. Đó mới là sự trừng trị thích đáng! Bởi, sách không phải thứ mang ra để đùa!