Rộng cửa bảo hiểm cho người nghèo

ANTĐ - Hiện cả nước mới có khoảng 20% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 sẽ mở rộng diện đối tượng tham gia để tăng quyền lợi cho người lao động, nhất là lao động khu vực phi chính thức. Đặc biệt, người lao động nghèo sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHXH, nhằm hoàn thành mục tiêu 50-60% số người lao động được đóng bảo hiểm.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2016, sẽ bổ sung 3 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; công dân nước ngoài vào làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Riêng với BHXH tự nguyện, sẽ không khống chế tuổi trần tham gia của đối tượng, chỉ cần đóng đủ số năm và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Luật BHXH sửa đổi còn mở rộng sang khu vực lao động phi chính thức, thu nhập không ổn định. Để tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này, luật mới quy định ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí đóng BHXH. Ngoài ra, mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng BHXH sẽ hạ xuống 22% mức chuẩn nghèo ở nông thôn. Người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm trước khi tham gia BHXH hoặc đóng cho nhiều năm sau đó. Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH cho biết, luật mới còn hoàn thiện nhiều chính sách có lợi cho người lao động, nhất là việc tăng trợ cấp chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất. 

Người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày sẽ được nâng mức trợ cấp từ 45% hiện nay lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Cũng theo Luật BHXH, cách tính lương hưu mới dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và bổ sung một số điều kiện hưởng lương hưu. Theo đó, lương hưu của người lao động căn cứ vào thời gian đóng BHXH. Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ khi luật có hiệu lực, tiền lương đóng bảo hiểm dựa trên chỉ số sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho người lao động, không phân biệt khu vực Nhà nước hay ngoài Nhà nước. 

Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đều hướng tới mục tiêu bao phủ mạng lưới an sinh xã hội toàn dân, đặc biệt quan tâm nhiều hơn tới người lao động nghèo. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày, người lao động vất vả lo từng bữa ăn, làm sao nghĩ được đến tương lai 10-20 năm sau. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, giúp họ đóng BHXH để đảm bảo cuộc sống sau này. Đối với người lao động, nhất là người thu nhập thấp, người nghèo, bảo hiểm không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau. Mở rộng “cửa” bảo hiểm cho người nghèo rất cần bàn tay trợ giúp của Nhà nước.