Quy trách nhiệm cá nhân

 ANTĐ - Đến nay nền kinh tế đã thoát đáy và đang vật vã đi lên trong khó khăn. Dẫu có chậm chạp tăng trưởng theo sơ đồ xuống từ từ đến đáy, rồi chật vật vươn lên, thì niềm tin cũng theo đó tăng dần lên và được củng cố vững chắc. Đó là nhận định khái quát của giới chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa diễn ra. Theo số liệu được công bố tại diễn đàn này, năm 2014, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, đến hết tháng 8, CPI ở mức 1,84% so với tháng 12-2013. Đặc biệt, GDP 9 tháng đạt 5,62%, cao nhất 3 năm trở lại đây.

Nền kinh tế thực sự đã thoát đáy, song vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tổng cầu vẫn yếu, nợ xấu chưa được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng, tín dụng chưa đến được với nền kinh tế. Trong báo cáo “Kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng 2015” dự báo, cả năm nay CPI khó vượt quá 4,5% so với tháng 12-2013 và tốc độ tăng trưởng GDP khó đạt mức 5,8% như mục tiêu đặt ra. 

Tuy vậy, vấn đề không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà quan trọng hơn là cách thức tạo ra tăng trưởng. Nếu giải quyết được nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư tư nhân thì có thể tiếp cận chỉ tiêu này và tạo đà cho năm sau. Những chữ “nếu” này đang là bài toán đau đầu nhất hiện nay của nền kinh tế. Cách đây vài ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam cũng vì những yếu tố: tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do sức mua còn yếu. Cơ quan này dự báo GDP năm 2014 sẽ giảm từ 5,6% xuống còn 5,5%. 

Nền kinh tế gặp khó khăn không thể tăng trưởng được là vì bị vướng vào nợ xấu. Suốt 2 năm nay, việc xử lý nợ xấu chậm hơn tốc độ tăng nợ xấu. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương nhận định như vậy. Nợ xấu không ngừng gia tăng, trong khi việc xử lý nợ lại bị cắt khúc, thiếu tính đồng bộ. Sử dụng mô hình công ty quản lý tài sản, thực chất đã không khai thông được vì không có “tiền tươi thóc thật”; chưa có quy chế bán lại nợ xấu. “Cục máu đông” nợ xấu vẫn cản trở sự lưu thông tín dụng trong nền kinh tế.

Hầu hết ý kiến của các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đều cho rằng, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế là thể chế và cơ chế. Bộ máy vẫn duy trì cơ chế tập thể, không làm rõ trách nhiệm cá nhân. Trong khi cá nhân không phải chịu trách nhiệm thì hệ thống đó không thể có hiệu quả. Đã đến lúc phải quy trách nhiệm cá nhân, chứ không phải làm sai thì đổ hết cho tập thể là xong.