“Quên” cho vay cá nhân

ANTĐ - Kho bạc Nhà nước vừa công bố kế hoạch phát hành thêm 22.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu cho thấy, kho bạc mong muốn giải phóng bớt lượng tiền “tồn kho” từ ngân hàng. Như vậy, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm nay sẽ là 232.000 tỷ đồng, tăng 22.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Dù lượng điều chỉnh trên không nhiều, nhưng đúng vào thời điểm gần cuối năm, khi tình trạng bán vốn ở thị trường liên ngân hàng trong suốt 8 tháng đình trệ, thì đây thực sự là một tin vui.

Khó trả lời câu hỏi, bao giờ thì thị trường mua bán vốn liên ngân hàng nhộn nhịp và tín dụng tăng trưởng như mục tiêu? Cập nhật các bản tin thị trường cho thấy, tình trạng dư thừa vốn đã đến mức bão hòa xét ở nhiều góc độ khác nhau. Nói về tình trạng ngân hàng “đốt đuốc” đi tìm doanh nghiệp tốt, một tổng giám đốc ngân hàng lớn nhận xét, dịp nghỉ lễ lớn vừa qua, những ngân hàng nào có khách hàng đến biếu quà là hỏng. Ngược lại ngân hàng phải tìm đến khách hàng tốt để chăm sóc họ.

Chính vì bí bách cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh, nên các ngân hàng, ngoài việc mua trái phiếu chính phủ còn “chen chân” tìm kiếm các dự án giao thông. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bây giờ là thời điểm ngành giao thông cần đến ngân hàng, dự tính đến hết năm nay, tổng số tiền mà ngân hàng đầu tư cho ngành giao thông lên tới 400 tỷ đồng.

Trong khi ngân hàng ứ đọng tiền, tín dụng cho vay cá nhân đang bị làm khó bởi lãi suất cao, thủ tục ngặt nghèo. Trong khi tín dụng cho doanh nghiệp được giảm lãi suất, tháo gỡ rào cản thủ tục, thì cho vay tiêu dùng, vay qua thẻ, vay tín chấp cá nhân, khách hàng bị làm khó dễ đủ thứ. Một bộ hồ sơ vay cá nhân phải “chạy” đủ 10 loại giấy tờ. Về lãi suất cho vay, nếu có tài sản bảo đảm cũng phải chịu 13%/năm, nếu không có tài sản phải chịu tới 15-16%/năm. Cho vay qua thẻ tín dụng còn cao hơn nữa từ 24-30%/năm. Với mục tiêu kích cầu tín dụng và hàng hóa, nhưng khách hàng phải chịu lãi suất cao ngất như vậy thì làm sao “kích” được.

Lãi suất tín dụng tiêu dùng cao đã hạn chế nhóm khách hàng tiếp cận với nguồn vốn, dù đây được coi là “bầu sữa” của ngân hàng. Như vậy, hàng hóa không được lưu thông, tồn kho vẫn ứ đọng, từ đó doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất. Tín dụng cho vay cá nhân được coi là lối thoát cho bế tắc tín dụng và đầu ra cho doanh nghiệp, nhưng lại đang bị “bỏ quên”.