Phương án phải sát thực

ANTĐ - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trưởng trở lại trong bối cảnh giá xăng dầu, điện tăng, song về cơ bản kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Đó là bức tranh tổng thể của tình hình kinh tế quý I-2015. Trước sự “ngạc nhiên” của một số bộ trưởng về con số tăng trưởng quá nổi bật này, Tổng cục Thống kê giải thích rằng ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng... đều tăng trưởng gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ, phản ánh sát thực bức tranh kinh tế. Có tín hiệu vui, song  vẫn tồn tại những hạn chế, thách thức từ nay đến cuối năm.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ những kết quả đạt được, lòng tin của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ngày càng được củng cố và tăng cường. Chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, xuất khẩu tăng 10%, kiểm soát tốt lạm phát.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, phải thường xuyên đánh giá tình hình kinh tế để chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập các tổ chuyên môn, phối hợp với tổ điều phối của Bộ Kế hoạch-Đầu tư trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô.

Dù vậy, trong cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, báo chí phản ánh dư luận chưa đồng tình với việc điều chỉnh tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì cho rằng EVN thiếu minh bạch trong giá điện. Nếu Bộ Công Thương chỉ dựa vào báo cáo của EVN để quyết định cho tăng giá thì mới đứng về phía ngành quản lý, chưa quan tâm tới lợi ích của người tiêu dùng. Người phát ngôn Chính phủ giải thích, phương án điều chỉnh giá đã được các bộ Công Thương, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thống nhất. Đây là phương án ít tác động đến kinh tế-xã hội, chỉ làm tăng CPI khoảng 0,18-0,2%. Các ngành sản xuất tiêu thụ điện năng cao như thép, xi măng tỷ lệ tăng giá thành chỉ khoảng 0,07-0,66%.

Vấn đề được dư luận đặt ra trong thời gian qua là việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu cùng một lúc rõ ràng chưa hợp lý. Nó đã tạo ra sức ép gia tăng lạm phát, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Mặc dù việc điều hành giá xăng dầu đã cơ bản theo giá thị trường, song giá điện vẫn chưa được sáng tỏ, minh bạch như ý kiến của một số chuyên gia. Các cơ quan đã cân nhắc thận trọng, tính toán chi phí đầu vào, đánh giá tác động của việc tăng giá đến kinh tế-xã hội. Điều quan trọng nhất là phải lựa chọn phương án có tác động bất lợi thấp nhất cho doanh nghiệp và người dân, chứ không chỉ tính toán phương án... trên giấy. Mọi cơ chế, chính sách, phương án đều phải sát thực tế.