“Nước rút” thu ngân sách

ANTĐ - Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với một loạt khó khăn, đáng lo ngại hơn cả là tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp. Các doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động trong 9 tháng năm nay là 48.330 doanh nghiệp, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải chỉ rõ những yếu kém của nền kinh tế khi đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, kế hoạch năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, yếu kém của nền kinh tế là năng suất, hiệu quả còn thấp, sản phẩm chủ lực và sức cạnh tranh tăng chậm và yếu. “Vì vậy, cần phải tiết kiệm chi tiêu, cân đối thu chi; phải làm ra tiền chứ cứ ngồi xem túi tiền có bao nhiêu mà chi là không được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trong 9 tháng qua, mặc dù tăng trưởng GDP đạt 5,62%, nhưng tổng cầu chưa mạnh, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu vẫn chậm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cân đối ngân sách Nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết tiềm lực tài chính công, huy động nguồn trái phiếu chính phủ ở mức cao. Việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm nay, mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư phục vụ tăng trưởng cho những năm sau. Đặc biệt, xử lý nợ xấu chậm, chỉ đạt 17% kế hoạch, nợ xấu của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại. Thu ngân sách giảm, có trường hợp thất thu. Trong khi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, một số ý kiến đề nghị năm 2015 cần tăng lương theo lộ trình, đảm bảo đời sống cho khu vực thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tăng lương cơ bản sẽ kéo theo áp lực tăng chi ngân sách nên cần phải cân nhắc kỹ. Năm 2014 đã hoãn tăng lương, năm 2015 cũng không thể bố trí nguồn tài chính, dư luận xã hội tỏ ra băn khoăn, song nếu tăng lương thì lấy tiền ở đâu?

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, cơ cấu chi ngân sách có tới 72% chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% là vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển. Thu được đồng nào tiêu hết đồng đó, đầu tư ngày càng ít đi. Trong khi đó, thất thu ngân sách còn lớn. Chỉ còn gần 3 tháng nữa là hết năm, đây là giai đoạn “nước rút” thu ngân sách; đồng thời phải tiết kiệm chi thường xuyên quyết liệt hơn.