“Nội soi” các siêu thị

ANTĐ - Trong khi túi tiền của phần lớn người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chỉ ở mức vừa đủ chi tiêu, thì giá cả hàng hóa trong các siêu thị cao hơn bên ngoài thị trường tới 10%. Đây là kết quả khảo sát thị trường vừa được một nhóm chuyên gia công bố. 

Theo kết quả khảo sát ý kiến người tiêu dùng, câu hỏi lớn nhất được họ đặt ra là: Siêu thị vốn là nơi buôn to, bán lớn, lại thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Vậy tại sao hàng hóa bày bán trong các siêu thị có giá cao hơn so với các chợ dân sinh, chợ tạm? Có chuyện gây khó dễ cho các doanh nghiệp, người sản xuất khi muốn đưa hàng “lọt” qua cửa siêu thị hay không?

Theo quy định về diện tích kinh doanh, số lượng mặt hàng, trong tổng số 15 trung tâm thương mại và 78 siêu thị trên địa bàn Hà Nội, chỉ có khoảng 2/3 siêu thị đạt tiêu chuẩn. Đáng chú ý là, số lượng siêu thị nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10/78 siêu thị, song doanh số bán hàng chiếm tới 40% thị phần.

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sở dĩ các siêu thị Việt Nam giảm sức hấp dẫn người tiêu dùng chủ yếu do bản thân các doanh nghiệp. Hầu hết làm ăn theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp, nhân lực quản lý chỉ có khoảng 5-7% được đào tạo kinh doanh bán lẻ. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã cho thuê lại một phần mặt bằng siêu thị để tư nhân bên ngoài tự kinh doanh, khiến hàng xấu, hàng rởm, kém chất lượng lọt vào siêu thị. Hơn thế, không ít nhà cung ứng muốn đưa được hàng hóa vào siêu thị phải có thêm những chi phí không chính thức, đương nhiên sẽ đẩy tỷ lệ chiết khấu lên cao. Chưa kể, còn nhiều chi phí phát sinh trong các khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ. 

Vị Chủ tịch Hiệp hội chỉ rõ, nếu nhà cung ứng chấp nhận thì tất cả mọi chi phí đó sẽ dội ngược vào giá thành sản phẩm, bán ra. Nếu không, nhà cung ứng sẽ phải bán lẻ trên thị trường thông qua tiểu thương ở chợ. Vì thế, hàng ngon, chất lượng không vào được siêu thị. Dư luận cho rằng, trong khi hầu hết các siêu thị ngoại đều kinh doanh theo cách trực tiếp thu mua tại các trang trại, nông trại với số lượng lớn, giá rẻ, thì một số siêu thị Việt Nam lại đi đường vòng. Từ thực phẩm, rau củ, quả đến tay người tiêu dùng thường phải qua nhiều khâu trung gian, khiến chi phi bị đội lên cao. Hệ lụy tất yếu là người tiêu dùng “lĩnh đủ”, còn người chăn nuôi, trồng trọt chỉ thu được khoản tiền ít ỏi. Khâu trung gian ở giữa đã được hưởng lợi trên 40% chi phí. Với cung cách “mạnh ai nấy làm”, manh mún và bị động, nhiều siêu thị đang phải “đánh vật” trong cuộc cạnh tranh với các siêu thị ngoại “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, ngày càng lấn chiếm thị phần.

Thực trạng trên cho thấy sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng, siêu thị và người tiêu dùng hiện nay. Trong khi đó, các siêu thị muốn mở rộng quy mô thì chưa được thuê đất mà phải sử dụng hình thức giao đất, tức là thanh toán tiền “một cục” lên tới hàng trăm tỷ đồng, vượt quá khả năng của doanh nghiệp trong nước.