Nhìn thẳng vào yếu kém

ANTĐ - Năm 2015, chúng ta phải hoàn thành kế hoạch 5 năm và chuẩn bị để bước sang giai đoạn mới. Báo cáo trình Quốc hội của Chính phủ phải nêu bật quyết tâm hoàn thành kế hoạch này. Như vậy, tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu mà Quốc hội đã đặt ra phải được triển khai quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy về báo cáo đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015.

Chỉ ra những nguy cơ, yếu kém còn tồn tại, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần thẳng thắn nhìn nhận để tập trung chỉ đạo thì mới có thể phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và vượt mục tiêu đề ra cho năm nay. Ví dụ, việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế hiện còn tiến hành chậm trễ. Do đó, cần phải tập trung vào tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm, thương hiệu mạnh nâng cao sức cạnh tranh. Câu hỏi bức xúc đặt ra là tái cơ cấu công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp ra sao? Trong 2 năm qua, Quốc hội đã liên tục yêu cầu phải có chuyển biến trong lĩnh vực này, có cả Nghị quyết về tái cơ cấu, trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều đặt ra những yêu cầu cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, tình hình nông nghiệp, nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, nếu cứ tiếp tục tái diễn thì những mặt hàng có thế mạnh của nước ta như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê... sản xuất ra có nguy cơ không tiêu thụ được. Thậm chí, có những mặt hàng sẽ thua ngay trên sân nhà khi Việt Nam thực hiện lộ trình cam kết theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thẳng thắn chỉ rõ, mục tiêu đặt ra là chúng ta phải đổi mới tư duy về phát triển, nếu cứ tiếp tục tư duy cũ thì không chỉ năm nay mà các năm sau sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cần phải nghiêm túc xem lại một số cơ chế, chính sách còn mang nặng tính bao cấp, không tạo ra được sự thay đổi triệt để.

Sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu trong 3 lĩnh vực đột phá, những tồn tại trong quá trình thực hiện, các giải pháp mang nặng tính hành chính và chưa có những thay đổi mang tính đột phá… đang là những rào cản khiến việc thực hiện tái cơ cấu rơi vào tình trạng chậm trễ. Đó là kết luận tại hội thảo đánh giá thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam vừa diễn ra. Kết luận này cũng trùng hợp với nhận định của Chủ tịch Quốc hội: Cần nhìn thẳng vào những mặt yếu kém, để tái cơ cấu giúp nâng cao được chất lượng nền kinh tế.