Nếu không xử lý nợ

ANTĐ - Trong năm 2015, tâm điểm hoạt động của hệ thống ngân hàng là kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% so với mức 5% của năm 2014. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước công nhận nhiệm vụ này tạo áp lực không nhỏ lên toàn hệ thống bởi tỷ lệ nợ xấu được áp dụng theo chuẩn mới sẽ tăng rất cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, con số hơn 5% nợ xấu chưa phản ánh đúng chất lượng thực trạng tín dụng. Đây là mức bình quân, nhiều tổ chức tín dụng lớn nợ xấu chỉ hơn 1%, nhưng nhiều tổ chức tín dụng nhỏ có số nợ xấu trên hai con số. Một số chuyên gia ngân hàng cảnh báo, mặc dù nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát và đảm bảo khả năng xử lý, nhất là nợ xấu đã được trích lập dự phòng rủi ro và hoạt động an toàn, nợ xấu phát sinh và tồn tại đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và nền kinh tế.

Hơn thế, nợ xấu còn tác động xấu đến hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và quá trình luân chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế. Hiện nay, mối lo ngại của các ngân hàng là gì? Họ lo rằng cho vay phải đảm bảo không tăng nợ xấu, bởi việc xử lý rất phức tạp. Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cho vay những vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động, không tăng nợ xấu. Tuy vậy, các ngân hàng đều thừa nhận, vướng mắc nhất hiện nay là việc xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ, do nhiều khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, chây ỳ. Chưa kể, thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản, thi hành án còn gặp nhiều khó khăn và mất thời gian, tốn kém chi phí của ngân hàng để thu hồi nợ.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, năm 2015 ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tái cơ cấu lần thứ hai, mục tiêu là giảm 5-7 ngân hàng. Trong đó, một số thương vụ sáp nhập, hợp nhất đã bắt đầu khởi động. Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo ngân hàng, trước mắt cần tổ chức cuộc họp về công tác xử lý nợ xấu có sự tham gia của các ngân hàng và cơ quan chức năng, đặc biệt là việc thi hành án vì nhiều hồ sơ vướng mắc chưa xử lý được. Nếu không xử lý nợ xấu thì rất khó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để tăng sự minh bạch, hoạt động hiệu quả; đồng thời bảo đảm được thanh khoản và không xảy ra đổ vỡ.