Mừng ngắn, lo dài

ANTĐ - Thông thường, vào tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khi bước vào cao điểm sản xuất, kinh doanh chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết. Song, tháng 11 này, CPI lại giảm tới 0,27%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Giới chuyên gia nhận định, CPI đã giảm từ giữa năm 2013 đến nay và xu hướng này còn có thể sẽ kéo sang quý I năm 2015. Hiện tượng bất thường so với quy luật này đáng mừng hay đáng lo đối với nền kinh tế, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng?

Theo Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, trong 10 năm qua, chỉ có năm 2008 CPI tăng mức âm vào tháng 11 do khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cả các mặt hàng cuối năm giảm mạnh. Liệu có phải CPI tháng 11 năm nay giảm do kinh tế khó khăn? CPI tăng thấp là do sức mua trên thị trường còn yếu, hàng hóa tiêu dùng tiêu thụ chậm.

Như vậy, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, CPI giảm chắc chắn có lý do quan trọng hàng đầu là giá xăng dầu đã giảm tới 11 lần từ đầu năm, kéo chỉ số giá chung của cả nước giảm 0,24%. Hơn thế nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào khiến giá một số mặt hàng tươi sống giảm. Giá gas cũng giảm mạnh, chỉ có mặt hàng may mặc, ăn uống… tăng nhẹ. 

Các chuyên gia cho rằng, dù CPI tháng 11 giảm, nhưng không nên quá lo lắng về giảm phát vì nó chỉ xảy ra khi CPI giảm liên tục, tốc độ tăng trưởng cũng giảm theo. Trong khi đó, tốc độ tăng GDP vẫn ở mức khá cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, nếu trừ yếu tố giá vẫn tăng trên 6,5%. Đại diện Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định, nhìn tổng thể, chỉ số CPI có tín hiệu mừng và lo đan xen. Nói CPI giảm vì sức mua giảm chưa hẳn đúng. Thời gian qua, người dân tiêu dùng hợp lý hơn, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng, tồn kho giảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng chứng tỏ tiêu dùng thực tế vẫn tăng.

Nhận định CPI cả năm nay chỉ tăng dưới 3%, giới chuyên gia và đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, đây là thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Với chỉ số CPI tăng thấp, niềm tin của người dân đã tăng nhưng chưa cao. Về ngắn hạn, CPI giảm là đáng mừng, nhưng về dài hạn là đáng lo. Cần tiếp tục đưa dòng tiền ra thị trường “trôi chảy” hơn, lãi suất cho vay trung và dài hạn kéo xuống thấp hơn để kích thích doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tái đầu tư.