Mù mờ đầu ra

ANTĐ - Theo Thông tư số 12 của Bộ NN&PTNT, bắt đầu từ ngày 5-5, sẽ siết chặt an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rau củ quả nhập khẩu. Theo đó, một mặt hàng nếu 3 lần vi phạm sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra chặt toàn bộ mặt hàng đó. Nếu vi phạm phải chờ kết quả kiểm nghiệm an toàn mới được thông quan. Nếu vi phạm tới 5 lần, có thể sẽ bị cấm nhập khẩu. Liệu biện pháp mạnh tay chặn ngay từ “đầu nguồn” có đủ sức hạn chế, ngăn chặn dòng chảy “nông sản” Trung Quốc đang ngày đêm ồ ạt đổ vào các chợ đầu mối trong nước?
Mù mờ đầu ra ảnh 1

Ảnh minh họa: Internet

Theo đại diện Chi cục Kiểm dịch thực vật các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai... nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc giảm dần qua từng năm; đồng thời nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này lại tăng mạnh.

Cụ thể, năm 2014, nước ta nhập khoảng 600.000 tấn rau củ quả từ Trung Quốc, nhưng xuất khẩu tới gần 2 triệu tấn. Vụ dưa hấu vừa qua, giá trị nông sản xuất khẩu gấp 20 lần nhập khẩu. Tại cửa khẩu Lào Cai, trước đây, rau củ quả từ Trung Quốc đạt khoảng 10-20 xe tải một ngày. Song gần đây không còn nhộn nhịp như trước. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các chợ đầu mối Hà Nội, nông sản Trung Quốc vẫn ùn ùn đổ về, chiếm thế áp đảo. Mỗi ngày có hàng chục xe tải chở nông sản từ biên giới về tập kết và chuyển đi các tỉnh lân cận tiêu thụ. Có thể nhận thấy, hàng nông sản Trung Quốc vẫn được tiêu thụ mạnh bởi to, đều, đẹp mã, mặc dù giá đắt hơn nông sản trong nước.

Tại các chợ dân sinh, giá hành, tỏi, gừng Trung Quốc đã bị đội lên 20-30%. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là, vì sao vừa qua, trong khi hàng nông sản Việt Nam như dưa hấu, hành tím, cà chua... ế ẩm, giá rẻ như cho và ùn tắc tại cửa khẩu, thì hàng nông sản Trung Quốc vẫn chiếm thị phần lớn tại các chợ đầu mối, trái ngược với số liệu của cơ quan quản lý Nhà nước? Trong khi chờ đợi Thông tư 12 có hiệu lực thi hành, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, dưa hấu, thanh long ùn tắc tại cửa khẩu biên giới, tình trạng cà chua, hành tím, hành tây, ớt, tỏi của nông dân thừa ế phải đổ bỏ luôn là vấn đề nóng bỏng theo mùa vụ và tái diễn nhiều năm nay.

Tuy nhiên, cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm mà để mặc cho nông dân gánh hậu quả. Ông Tổng thư ký nhận xét, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT dường như đang đứng ngoài cuộc. Trong khi đó, chương trình xúc tiến thương mại hàng năm “ngốn” không ít tiền. Ông bức xúc: “Không thể dựa vào tình thương để cứu thị trường nông sản. Mua một vài cân nông sản giúp người dân dù đáng quý đấy, nhưng đâu phải giải pháp căn cơ”.

Ông Tổng thư ký cho rằng, việc chỉ đạo, điều hành của Nhà nước phải rõ trách nhiệm từ sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, phải khuyến khích doanh nghiệp vào cuộc liên kết với nông dân, từ khâu giống, công nghệ chế biến, đến đóng gói... Các địa phương cần khuyến cáo nông dân chủ động, không thể cứ trồng mà không biết đâu là đầu ra.