Mỏi cổ chờ lộ trình

ANTĐ - Trong văn bản trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội những vấn đề liên quan của ngành điện, điều hành giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ điều hành giá điện theo đúng quy định và đã tính toán để giá điện ảnh hưởng ít nhất đến người dân. Các phương án điều chỉnh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được kiểm soát theo quy định, thời gian và mức điều chỉnh được cân nhắc thận trọng, tránh gây tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá điện tăng tác động trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 khoảng 0,2%. Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thu 50kWh/tháng là 4.800 đồng, tăng 6,92% so với tiền điện phải trả theo giá cũ.

Đối với một số ngành sản xuất tiêu thụ điện nhiều như sắt thép, xi măng, hóa chất, ước tính tỷ lệ tăng giá thành khoảng 0,6%. Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương, một số đại biểu công nhận Bộ đã đưa ra được lộ trình điều hành giá điện. Theo đó, năm 2016 bắt đầu bán buôn điện cạnh tranh; đến năm 2021 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lộ trình này càng kéo dài thì giá điện càng tăng. Người dân rất trông chờ vào việc bán lẻ điện cạnh tranh bởi khi đó người dân sẽ được lợi.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, không ít ý kiến nhận xét, tăng giá điện lần nào cũng có lý cả. Ngành điện giải thích chỉ tăng giá điện bình quân 7,5%, nhưng rất hiếm có hộ gia đình nào chỉ phải trả thêm 7,5% tiền điện. Tăng ít nhất cũng phải 10-20%. Vì vậy, việc chất vấn là để đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình giá bán điện theo cơ chế thị trường cho người dân đỡ thiệt thòi.

 Các đại biểu ghi nhận, biểu giá điện lần này đã tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách. Ước tính, kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ này sẽ tăng thêm mỗi năm 153 tỷ đồng, hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bàn về lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với một lĩnh vực độc quyền như giá điện, giá xăng dầu, một số chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải thành lập một Ủy ban giám sát. Chất vấn trên nghị trường hoặc chất vấn bằng văn bản, suy cho cùng cốt để đẩy hơn nữa lộ trình thực hiện giá năng lượng, nhiên liệu theo cơ chế thị trường. Nếu theo đúng lộ trình mà Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vạch ra, người dân và doanh nghiệp sẽ còn phải chờ đợi khá lâu.