Lương bù được trượt giá

ANTĐ - Thừa nhận cải cách tiền lương là công việc khó khăn, trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách chinh sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong 2 năm qua, Chính phủ dã chỉ đạo quyết tâm không tăng tổng biên chế Nhà nước, số tuyển vào bằng một nửa so với số về hưu hoặc điều chuyển công tác. Song, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cải cách tiền lương vẫn còn hạn chế, cải cách đơn vị sự nghiệp còn chậm, từ đó chưa có đột phá để tạo nguồn cải cách tiền lương. Phó Thủ tướng đề nghị, mức lương mới điều chỉnh từ 1-1-2016 phải bù được trượt giá và cải thiện từng bước.

Sau 2 lần trì hoàn việc tăng lương, Quốc hội đã phê duyệt phương án điều chỉnh tăng 8% cho các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp cho người có công và lương công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp. Nhà nước chi tăng thêm 11.000 tỷ đồng cho gần 5 triệu người thuộc các đối tượng trên từ ngày 1-1-2015. Cũng từ ngày này, Chính phủ đưa ra mức lương tối thiểu vùng theo hướng điều chỉnh tăng lên 3,1 triệu; 2,75 triệu; 2,4 triệu và 2,1 triệu đồng/tháng tương ứng từ vùng 1 đến vùng 4. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thẳng thắn thừa nhận, mức lương tối thiếu thấp, chưa tính đúng, tính đủ cho mức sống tối thiểu của người nuôi con và chỉ đáp ứng được   60-65% nhu cầu cơ bản của người lao động. 

Lương chưa đảm bảo cho người hưởng lương chủ yếu sống bằng lương. Vậy những người ăn lương lấy gì để đáp ứng 2/3 nhu cầu tối thiểu còn lại? Câu hỏi này đã được đặt ra trong rất nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn. Nguồn lực tài chính cho việc tăng lương thực sự là bài toán “hóc búa” đối với ngân sách. Song, nguồn lực chỉ là một khía cạnh. Vấn đề lớn hơn, lực cản lớn nhất là cải cách hành chính và tinh giản biên chế như một chiếc đầu kéo ngược chiều níu giữ “bánh xe” tăng lương. Sau mỗi lần điều chỉnh, nhưng số lượng người được hưởng lương ngày càng tăng, thì không ngân sách nào đủ sức “co kéo” nổi. 

Đưa ra nhận định về điều chỉnh lương từ năm 2016, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc cải cách tiền lương vẫn còn “cửa sáng” vì Chính phủ đã ban hành Nghị định 16. Theo đó, một khoản lớn ngân sách Nhà nước sẽ không còn chi trả cho cán bộ, công chức. Thêm một động lực lớn là sắp tới Bộ Chính trị sẽ xem xét, thông qua Đề án tinh giản biên chế. Quy trình, cách thức cho cán bộ từ cấp Trung ương tới cấp cơ sở không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện đáp ứng công việc có thể về hưu sớm, sẽ thông thoáng hơn trước. Với những quyết sách này, có thể kỳ vọng lương tăng sẽ bù được trượt giá, chứ không phải đuổi theo giá cả như nhiều năm nay.