Lo ăn lại lo ở

ANTĐ - Cả nước hiện có 260 khu công nghiệp, khu chế xuất với trên 1,6 triệu công nhân, trong đó hơn 60% là lao động ngoại tỉnh nên nhu cầu nhà ở rất lớn. Riêng Hà Nội có tới 18 khu công nghiệp, chế xuất và 39 cụm công nghiệp với khoảng 20 vạn công nhân, lao động. Trên thực tế, tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân có chỗ ở tạm ổn định, số còn lại phải thuê chỗ ở tạm bợ.

Trong khi mức thu nhập bình quân của họ chỉ từ 2-2,2 triệu đồng/người/tháng, thì giá thuê nhà trọ tư nhân tối thiểu cũng từ 150.000-200.000 đồng/người/tháng. Mỗi người chỉ được sử dụng 2-3m2, vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Ở tạm bợ, ăn đạm bạc làm sao đảm bảo sức khỏe làm việc một ngày hơn mười giờ đồng hồ?

Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân để “an cư lập nghiệp”, ổn định sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội đã được Chính phủ quan tâm. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đã được ban hành như hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào. Thế nhưng vấn đề lo nhà ở cho công nhân vẫn hầu như bế tắc. Người ta đã nói khá nhiều về trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm giải quyết nhà ở cho công nhân, phải coi việc lo nhà ở là nhân tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thế nhưng hiện tại, phần lớn công nhân đang sống trong các nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp như thế nào? Chật chội, nhếch nhác, thiếu mọi tiện nghi tối thiểu, chưa kể tiền điện, tiền sinh hoạt.

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các nhà làm chính sách chỉ muốn làm cuộc “đổi mới” nhà ở, đưa công nhân vào những khu chung cư nhiều tầng kiên cố đáp ứng tiêu chuẩn “khiêm tốn” là không quá 6 tầng, diện tích căn hộ không quá 60m2 nhưng không dưới 30m2. Trên thực tế, ngoài chuyện ăn ở, các hộ công nhân cũng cần có trường cho con cái học, có chợ để mua nhu yếu phẩm, chưa nói tới những nhu cầu “xa xỉ” như vui chơi, giải trí, các công trình văn hóa, thể thao. Một mô hình “lý tưởng” là phải xây dựng một đô thị công nhân, gồm các chung cư nhiều tầng, phía dưới là cửa hàng, cửa hiệu. Các tầng trên là chỗ ở cho người lao động độc thân rộng khoảng 40m2 đủ cho 4 người, sau này có thể hoán cải thành căn hộ gia đình. Trong đô thị công nhân này đương nhiên không thể thiếu chợ, trường học, bệnh viện, vườn hoa, công viên. “Vẽ” ra viễn cảnh đô thị này có lẽ “lãng mạn” quá chăng, trong khi các đô thị mới đã mọc lên xung quanh các thành phố lớn vẫn chưa có được những yêu cầu thiết yếu và tất yếu này? Một số doanh nghiệp, công ty xây dựng nhà ở đô thị cho rằng, nhà ở cho công nhân, những người có thu nhập trung bình, thì chính sách cũng phải phù hợp với túi tiền của họ, tức là giá bán hoặc cho thuê phải ngang bằng với thu nhập. Công nhân có thể chấp nhận điều kiện sống thấp hơn các chung cư, đô thị mới nhưng phải tốt hơn hẳn nhà trọ, lán trại tạm bợ. Muốn giảm giá thành căn hộ công nhân, cần chọn địa thế ven thành phố, nhất là phải gần các khu công nghiệp, chế xuất, quy hoạch thành từng cụm dân cư từ

10-100ha, có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Nhà nước phải tạo quỹ đất sạch, duyệt các thủ tục quy hoạch, kiến trúc và đấu thầu để chọn doanh nghiệp xây dựng căn hộ giá thành thấp.

Lo cơm ăn, chỗ ở, thu nhập cho công nhân lao động không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước. Cần phải có quy định bắt buộc doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, chứ không chỉ dừng ở mức khuyến khích chung chung. Không thể chỉ biết khai thác sức lao động của họ rồi bỏ mặc người ta lo ăn lại tự lo ở theo kiểu “mang con bỏ chợ”.