Kích hoạt chu kỳ mới

ANTĐ - Hội thảo “Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2014: Đối phó với việc bình thường hóa chính sách tại các nước thu nhập cao”, do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Thế giới tổ chức cuối tháng 1-2014. Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận xét, tăng trưởng tại khu vực Đông Á sẽ giữ mức 7,2% trong năm 2014 và giảm nhẹ vào năm 2015. Với xu thế này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ ổn định ở mức 5,4 - 5,5% trong năm 2014 - 2015. Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Việt Nam sẽ “đi ngang” trong 2 năm tới.

Cũng giống nhiều quốc gia, Việt Nam đang nằm trong “vòng xoáy” của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, hướng tới tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, chương trình đổi mới lần thứ nhất của Việt Nam đã đem lại những thay đổi lớn lao cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn bộc lộ những yếu kém, bất cập. Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế cần giải quyết những vấn đề này. Thách thức đối với quá trình chuyển đổi hiện nay chính là những thách thức phải đối mặt từ quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Dưới góc độ của một số chuyên gia trong nước, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua đã tồn tại nghịch lý giữa GDP “ảo” và “lạm phát” GDP. Nghịch lý không kém là mặc dù các cơ quan thống kê và hoạch định chính sách kinh tế đều biết, nhưng tình trạng này không được sửa chữa. Một trong những nguyên nhân chính là “bệnh thành tích GDP”. Bởi vì, GDP là thước đo quan trọng nhất cho thành tích kinh tế của chính quyền từ địa phương đến Trung ương và tư duy “nhiệm kỳ” khiến việc chạy đua GDP càng trở nên sôi động.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhìn nhận, vấn đề được tranh luận nhiều thời gian qua là độ chính xác của chỉ tiêu GDP, thể hiện qua sự chênh lệch trong tốc độ tăng trưởng GDP của các địa phương với cả nước. Lý do là, nghị quyết của HĐND, nhất là nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, thành phố đưa ra rất cao, còn báo cáo về việc điều hành thì luôn nêu cố gắng thực hiện mục tiêu nghị quyết đặt ra. Cho nên tốc độ tăng GDP cả nước và địa phương luôn có sự lệch nhau. Hiện Tổng cục Thống kê đang xây dựng đề án “khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương”. Cách tốt nhất là bỏ việc tính toàn và công bố GDP của các địa phương như nhiều nước đã làm. Theo khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tại cuộc hội thảo, việc tăng trưởng dựa vào chính sách tài chính, tiền tệ và tài khóa nới lỏng sẽ không còn nhiều dư địa, vì vậy việc cần làm là phải tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng. 

Tái cơ cấu nền kinh tế, về bản chất là xây dựng và tạo ra hệ thống động lực tăng trưởng mới, phân bổ lại nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Nước ta có “vùng đệm” chính sách hợp lý và giành được niềm tin của nhà đầu tư có thể dựa vào thị trường, chính sách kinh tế vĩ mô để thoát khỏi chu kỳ kinh tế thiểu phát. Nếu các chương trình tái cơ cấu đáng tin cậy sẽ tạo được niềm tin thị trường lâu dài, qua đó sẽ kích hoạt một chu kỳ tăng trưởng mới trong trung hạn từ năm 2014.