Không thể nói chung chung

ANTĐ - Tập trung xử lý hiệu quả những hạn chế, yếu kém, khó khăn đang cản trở tăng trưởng kinh tế, cản trở sản xuất kinh doanh không thể nói chung chung, phải có biện pháp kịp thời. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi đánh giá tình hình kinh tế 9 tháng năm nay. Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đà tăng trưởng rõ nét và đồng đều hơn. Trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội giao, có 13 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt là giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động và 1 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ khoảng 49% so với kế hoạch 51%.

Ba lĩnh vực cần quan tâm nhất hiện nay và thực hiện quyết liệt để vực dậy nền kinh tế là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động và đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình 9 tháng qua. Nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban này cho rằng, hiện vẫn thiếu “lửa” để làm ấm lên nền kinh tế. Biểu hiện cụ thể là chưa thấy rõ sự đột phá mạnh, tốc độ tăng trưởng chậm và khó về đích như kế hoạch đề ra khi tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao.

Tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại vẫn là những thách thức rất lớn. Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc tái cơ cấu ngân hàng là “ngoài sức mong đợi”, nhưng tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu lại nhận định thực tế là nợ xấu càng giải quyết càng xấu đi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, đã xử lý được 53,6% tổng nợ xấu.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi: 47% nợ xấu chưa được xử lý thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết thế nào? Điều này đặt ra vấn đề gì cho hệ thống ngân hàng? Trong khi đó, năng lực của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) còn rất hạn chế khi số nợ xấu bán ra chỉ nhỏ giọt, không đáng kể. Trong khi chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề nợ xấu, thì chuyện cứu doanh nghiệp cũng còn nhiều vướng mắc. Mặc dù trong 9 tháng qua, ngân hàng đã cho vay được hơn 105.000 tỷ đồng với lãi suất của ngân hàng thương mại Nhà nước là 6-8%/năm; ngân hàng thương mại cổ phần là 7-10%, song một số đại biểu Quốc hội vẫn nhận định các doanh nghiệp hiện rất chật vật trong việc vay vốn sản xuất kinh doanh. “Không thể nói chung chung, phải có biện pháp kịp thời” xử lý hiệu quả những cản trở sản xuất kinh doanh, đó là chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ.