Không quyết liệt, sẽ bị thiệt

ANTĐ - Cắt giảm 25% thủ tục hành chính cho 18 nhóm thủ tục của người dân và doanh nghiệp. 100% thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền phải công bố công khai nhằm hạn chế sự nhũng nhiễu của cán bộ công chức. Đó là mục tiêu trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm gánh nặng hành chính, được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo vừa được Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội. 

Giám đốc thể chế Dự án quản trị Nhà nước cho biết, năm 2007 Việt Nam đứng vị trí thứ 68 trên 144 quốc gia về năng lực cạnh tranh toàn cầu, đến nay, vị trí đó vẫn đứng yên. Đặc biệt, gánh nặng thủ tục của Việt Nam thuộc hạng thấp nhất khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, nước ta tụt hạng từ 72 (năm 2010) xuống 78 (năm 2013). Sở dĩ có chuyện tụt hạng là do các nước cải cách mạnh mẽ và tăng thứ hạng, còn nước ta cải cách chậm nên tụt hạng. 

Trong khi đó, Việt Nam chuẩn bị bước vào sân chơi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, nếu không cải cách hành chính quyết liệt sẽ bị thiệt. Đáng lo ngại là, chất lượng văn bản ban hành còn thấp, song chưa có cơ quan thẩm định tốt. Công tác thẩm định văn bản mới chỉ dừng lại ở mức độ kiểm soát tính tuân thủ pháp luật, trong khi yêu cầu kiểm soát thủ tục hành chính trong bộ máy của Nhà nước vận hành ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đến sản xuất kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu. Giới chuyên gia, luật gia nhận xét, hiện có rất nhiều thông tư, văn bản pháp luật không thống nhất, ngôn ngữ mơ hồ khiến mỗi nơi hiểu theo một cách khác nhau, áp dụng khác nhau. Chưa kể, yếu tố quan trọng nhất trong cải cách thủ tục hành chính là con người, vậy mà năng lực cá nhân cũng như phẩm chất cán bộ công chức thực hiện thủ tục hành chính lại ít được đề cập, hoặc nếu có góp ý thì cũng chỉ mang tính hình thức, hầu như không thay đổi gì. 

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp, đại diện các hiệp hội và giới luật gia nhất trí rằng, mọi cải cách thủ tục hành chính đều phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, làm việc của đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp thực hiện. Thủ tục rắc rối, phức tạp gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp do các bộ, ngành “đẻ” ra, hoàn toàn có thể rà soát, cắt giảm đến mức tối đa. Song, nếu không cải cách tư duy để loại bỏ bằng được tâm lý “hành”… là chính, thì gánh nặng hành chính vẫn đè lên vai doanh nghiệp và người dân. 

Không quyết liệt cải cách hành chính, thì năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ bị giảm sút. Tiến trình hội nhập trong môi trường “sân chơi” mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương lại càng đòi hỏi tầm cao mới, sức vóc mới của năng lực cạnh tranh quốc gia. Ở đây, nếu thiếu quyết liệt cải cách hành chính thì chúng ta không chỉ bị thua thiệt đối với doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến cả quyền lợi quốc gia nữa.