Không đáng lo ngại

ANTĐ - Tăng trưởng GDP quý I-2015 đạt 6,08%, nhờ đó tạo đà cho GDP trong 6 tháng đầu năm nay đạt mức 6,28%.  

Cùng với việc công bố chỉ số này, Tổng cục Thống kê cho biết, đó là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, tăng mạnh và đóng góp chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là khu vực có mức tăng cao liên tục trong 3 năm qua, riêng trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm 2014.

Cuộc họp tổ điều hành vĩ mô của Chính phủ vừa qua đã thảo luận về tình hình tín dụng toàn bộ nền kinh tế tăng mạnh hơn 5%, nhưng tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản có mức tăng gấp đôi - 10%. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ tái diễn “bong bóng” bất động sản.

 

Theo giải thích của đại diện Ngân hàng Nhà nước, khu vực bất động sản đang khởi sắc, nhiều dự án được tiếp tục hoàn thiện và nhiều dự án khởi công. Thực tế, không chỉ vốn từ ngân hàng rót vào lĩnh vực này tăng. Theo đánh giá của tổ điều hành kinh tế vĩ mô, bất động sản tăng trưởng 2,2% so với cuối năm ngoái.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện tổ điều hành, điều quan trọng là vốn đổ vào bất động sản tăng ở phân khúc đối với nhà đầu tư trực tiếp và bán trực tiếp tới người mua nhà ở có nhu cầu thực, chứ không qua trung gian, môi giới, đầu cơ. Vì vậy, ngân hàng có thể kiểm soát các dự án để hạn chế tình trạng “bong bóng” và phát sinh nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn phải cảnh giác với “bong bóng” và nhu cầu ảo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích, một số chuyên gia lo ngại lãi suất huy động tăng một phần là do các ngân hàng giải ngân mạnh vào thị trường bất động sản. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, tín dụng bất động sản chủ yếu dành cho việc hoàn thiện các công trình dở dang để cung cấp cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân về nhà ở.

Đây cũng là tín hiệu tốt để kích hoạt trở lại các ngành sản xuất sắt thép, xi măng và vật liệu xây dựng. Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước không chủ quan với tín dụng bất động sản. Vì thế, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng và chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho các lĩnh vực thiết yếu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề nhạy cảm: Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục phá giá VND hay không, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chưa cần thiết phải phá giá VND. Bởi vì có đủ cơ sở để dự báo rằng, lạm phát cả năm nay sẽ ở mức 3% thay vì 5% như mục tiêu đầu năm của Chính phủ. Như vậy, tình trạng “bong bóng” bất động sản và việc phá giá VND đều không đáng lo ngại.