Khó đầu vào, đầu ra

ANTĐ - Sau một thời gian dài trầm lắng, tăng trưởng kinh tế quý I cả nước đã thực sự khởi sắc. Phản ánh rõ nét nhất là 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM. Tăng trưởng của Hà Nội đạt 7,6%, cao hơn các quý I của 5 năm qua. 

Trong khi đó, TP.HCM đạt mức tăng trưởng ngoạn mục tới 8%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Bức tranh kinh tế với gam màu sáng đang loang dần nhưng chưa thể che lấp những khó khăn của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp qua 3 tháng đầu năm 2015 là sự gia tăng cùng lúc của các khoản chi phí đầu vào. Mặc dù việc tăng giá điện được thực hiện theo lộ trình, song vì đồng thời tăng giá xăng dầu, giá điện khiến các doanh nghiệp bị áp lực phải tăng chi phí đầu vào, nhất là các ngành sản xuất, kinh doanh tiêu dùng.

Cách ứng phó duy nhất của doanh nghiệp là điều chỉnh chi phí sản xuất và cân đối lại giá thành. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, tăng giá bán sản phẩm để bù đắp sự gia tăng chi phí đầu vào, theo một số chuyên gia nhận xét chẳng khác gì “tự lấy đá ghè chân mình”, càng làm cho sức mua giảm, hàng tồn kho tăng.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản, dệt may, da giày... xuất sang EU cũng đứng trước khó khăn lớn vì tỷ giá đồng EURO so với USD giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua.

Do thanh toán chủ yếu bằng USD nên các đối tác EU yêu cầu giảm giá sản phẩm hoặc xin lùi thời hạn thanh toán. Việc giảm giá bán trong thời điểm này đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó do chi phí sản xuất vừa mới điều chỉnh theo giá xăng dầu, giá điện tăng, đồng thời việc giao hàng và ký kết các đơn hàng mới càng trở nên khó khăn hơn. Xuất khẩu gạo của nước ta cũng chật vật ngay từ đầu năm do Trung Quốc, thị trường nhập gạo lớn nhất của Việt Nam, đang tạm ngưng mua nên số lượng hợp đồng giảm mạnh.

Lượng gạo hàng hóa tồn kho chuyển từ quý I sang quý II-2015 lên tới 2 triệu tấn cao nhất từ trước tới nay. Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều khó khăn, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ giá VND/USD dường như “bồi” thêm áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi các nước trong khu vực đã có động thái hạ giá nội tệ để hỗ trợ sản xuất.

Có thể đo “sức khỏe” doanh nghiệp bằng con số 16.175 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo tìm mọi cách hỗ trợ cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng đang cố gắng giảm lãi suất huy động đầu vào để giảm lãi vay đầu ra cho doanh nghiệp. Tuy vậy, cái khó “bó” doanh nghiệp không chỉ là lãi suất mà khó cả chi phí đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra để đủ cạnh tranh trên thương trường.