Khó “cõng” nổi tiền thuốc

ANTĐ - Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), từ ngày 1-1-2015,  BHYT đã thay đổi phương thức chi trả đối với một số loại thuốc mới, đắt tiền. Hướng mới là giảm chi xuống còn 30 -50% tiền thuốc, thay vì 50 - 100% như trước. Bệnh nhân không có khả năng cùng chi trả tiền thuốc mới giá cao có thể quay về sử dụng các loại thuốc thông thường, chứ không lo thiếu thuốc. Song, không phải tất cả bệnh nhân đang dùng thuốc giá cao đều có thể thay đổi phác đồ, trở về dòng thuốc thông thường.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, khi xây dựng danh mục thuốc BHYT chi trả theo tỷ lệ, Bộ không muốn đưa tới 28 loại thuốc vào danh mục và cũng không muốn nâng tỷ lệ chi trả từ quỹ lên. Tuy nhiên, do phía Bảo hiểm xã hội BHXH Việt Nam (cơ quan đang quản lý Quỹ BHYT) sợ vỡ quỹ, kiên quyết bảo vệ quan điểm chỉ chi theo tỷ lệ 30 - 50% với các loại thuốc đắt tiền này, nên Bộ Y tế phải nghe theo!

Trong khi đó, đại diện BHXH Việt Nam lại cho rằng, danh mục là do Bộ Y tế ban hành, không thể đổ lỗi cho cơ quan bảo hiểm. Vụ trưởng Vụ BHYT giải thích: Khi họp Hội đồng xây dựng danh mục thuốc, đã có đầy đủ đại diện từ Bộ Y tế, BHXH, một số cơ sở khám chữa bệnh...

Bộ Y tế cũng thành lập một hội đồng chuyên gia về ung thư, huyết học, nội tiết… Cho dù cơ quan nào quyết định việc cắt giảm, thì danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hàng vạn bệnh nhân ung thư, viêm gan, khớp… đang điều trị bằng loại thuốc mới, chi phí cao. Để chi trả cho một người bệnh dùng thuốc đắt tiền nhất trong danh mục này, sẽ phải có 2.000 người đóng phí bảo hiểm. Trong khi đó, Quỹ BHYT đã kết dư liên tục từ năm 2010 đến nay và hiện đang kết dư trên 20.000 tỷ đồng.

Theo ý kiến của lãnh đạo một số bệnh viện lớn, trước khi BHXH quyết định cắt giảm chi trả những loại thuốc đặc trị, đắt tiền, cơ quan này nên tham khảo các cơ sở y tế, cần thiết phải thành lập một hội đồng khoa học để thẩm định giá của các loại thuốc mới. Việc cắt giảm mức chi trả sẽ khiến nhiều bệnh nhân không đủ điều kiện theo hết phác đồ điều trị, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Nếu bắt buộc phải giảm mức chi từ quỹ, cũng không nên giảm đột ngột xuống còn một nửa. Người bệnh hiểm nghèo giờ phải chịu chi trả một nửa tiền thuốc chắc chắn khó “cõng” nổi chi phí, trong khi Quỹ BHYT còn dư hàng chục nghìn tỷ đồng.