Khi quyết sai, ai chịu?

ANTĐ - Đóng góp ý kiến với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, sử dụng vốn của Nhà nước cần có quy trình, phương thức quản lý rạch ròi cũng như quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm người ra quyết định và sử dụng đồng vốn. Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều điều, khoản trong dự thảo Luật này còn mang nặng tư tưởng bao cấp, trong khi nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ, ngân sách là tài sản của dân do Nhà nước đại diện. Quốc hội là đại diện của nhà nước để quyết định và ủy quyền xuống cho các bộ, ngành quản lý. Vì vậy, cần làm rõ và phân cấp quyền hạn rạch ròi về quản trị dòng tiền đầu tư từ ngân sách. Lâu nay, hơn một triệu tỷ đồng tại các doanh nghiệp nhà nước không được hạch toán vào một nơi nào.

Đến cuối năm 2013, vốn nhà nước đã mang đi đầu tư là bao nhiêu? Một ủy viên của Ủy ban thắc mắc và đặt câu hỏi: Có thể hỏi cơ quan nào để biết được số vốn nhà nước đang nằm ở đâu? Theo báo cáo cập nhật, đến nay có 1.200 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn; 1.500 doanh nghiệp sở hữu 50% vốn và 1.000 doanh nghiệp sở hữu dưới 50% vốn. Vì vậy, nếu Quốc hội kỳ họp này thông qua Luật này thì rất có ý nghĩa. Song, điều quan trọng là làm sao thu hồi tiền cho ngân sách chí ít là 50% con số 1.500.000 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án, công trình đang “đói” vốn ngân sách.

Không ít đại biểu nhận định, dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa giải thích và làm rõ những bất cập mà thực tế nảy sinh cũng như đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi. Chẳng hạn, Luật không nói rõ sẽ trích bao nhiêu phần trăm để ngân sách thu về thể hiện hiệu quả sau khi đầu tư. Theo ý kiến của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Luật này cần tập trung làm rõ vấn đề quản lý, công ty có 100% vốn đầu tư của nhà nước và việc bảo toàn vốn trong quá trình cổ phần hóa. Luật không nên dừng lại ở Công ty TNHH 100% vốn của nhà nước. Cần phải có góc nhìn rộng hơn, bất kỳ một doanh nghiệp nào hễ nhận 1 đồng vốn của nhà nước cũng phải được quy định rõ về quản lý. Tiếp đó phải phân biệt rõ khái niệm vốn sở hữu khác với vốn huy động. Cần xác định và quy định vốn điều lệ cộng với các nguồn vốn khác hình thành trong quá trình sản xuất kinh doanh là vốn của chủ sở hữu.

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, những rủi ro, hệ lụy tổn thất vốn của nhà nước thường rơi vào doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy phải nắm được đồng vốn sinh sôi, nảy nở ra sao. Những rủi ro, sai phạm, những tổn thất qua các vụ việc thua lỗ phải quy trách nhiệm cho người đưa ra quyết định đầu tư. Khi quyết sai ai chịu trách nhiệm? Luật phải trả lời được câu hỏi hiện đang vướng mắc này.