Hòn đá tảng cản đà

ANTĐ - Quốc hội đã dành 1 ngày rưỡi để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 với một loạt vấn đề quan trọng như tăng trưởng kinh tế, áp lực trả nợ công, giám sát nguồn vốn ODA, nhóm lợi ích liên quan ở cả trong nước và nước tài trợ. Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây dưới tiềm năng, “cỗ xe” kinh tế dường như đang hụt hơi, gần hết gia tốc để tiếp tục chặng đường phía trước và về đích với những chỉ tiêu đã được Quốc hội đề ra từ đầu năm. 

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo đề án được duyệt; đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nợ công. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trước năm 2010 nợ công ở mức thấp, không quá 50% GDP, hiện nay đang có xu hướng tăng lên. Chi đầu tư phát triển từ năm 2010 đến nay giảm dần và bội chi ở mức cao.

Năm 2011, nợ công khoảng 35% GDP, ước năm 2014 khoảng 60% GDP, nhưng vẫn trong giới hạn cho phép không quá 65%, đảm bảo nguyên tắc trả nợ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, quản lý nợ công còn một số hạn chế, một số dự án đầu tư chưa thực sự hiệu quả, đầu mối phân tán, năng lực giám sát còn hạn chế, áp lực trả nợ sẽ tăng vào năm 2015-2016. Ý kiến của một số đại biểu nhấn mạnh, nếu là các dự án ODA vay thì phải hết sức thận trọng vì sẽ tăng gánh nợ công. Vì thế cần thực hiện nguyên tắc “vàng” là không vay ODA cho chi thường xuyên. Song hiện nay có dự án hàng trăm triệu USD vay ODA chi thường xuyên. Các dự án ODA vay phải có ý kiến của Quốc hội, nếu không, mỗi nơi sử dụng một khoản thì nợ công sẽ rất lớn và con cháu chúng ta sẽ phải trả. Đáng lưu ý là, việc công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình chỉ mang tính nguyên tắc, do đó chưa ngăn chặn được tình trạng xin cho, “cò” dự án, tiêu cực, tham nhũng. 

Với những cố gắng lớn trong công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, các đại biểu nhận định, tình hình kinh tế xã hội 9 tháng qua đã dần ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế đang bộc lộ những điểm yếu đáng lo ngại: bội chi ngân sách lớn, nợ công áp trần, nợ xấu cao, doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp. Đây chính là những hòn đá tảng cản đà tăng trưởng mà Quốc hội cần tập trung trí tuệ tìm giải pháp giúp Chính phủ tháo gỡ.