“Gốc rễ” không dễ nhổ

ANTĐ - Đã thành lệ, cứ đến những tháng cao điểm cuối năm, gần Tết, cuộc chiến chống buôn lậu càng trở nên quyết liệt, căng thẳng. Tại Hội nghị tổng kết năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương “kể khổ”: Đường biên giới nước ta quá dài, nhiều đường mòn, lối mở, trong khi các lực lượng tham gia chống buôn lậu quá mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện, trong khi các đối tượng buôn lậu ngày càng liều lĩnh, tinh vi. Đã có rất nhiều giải pháp, biện pháp, song hiệu quả chưa được như mong muốn, “gốc rễ” buôn lậu chưa thể chặt đứt, nhổ bật.

Ngay tại Hà Nội vừa mới đây, tổ công tác 113 Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ hơn 600 kiện hàng, trọng lượng khoảng 30 tấn có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Các mặt hàng gian lận đa chủng loại từ linh kiện điện tử, thiết bị xây dựng, đến quần áo, giày dép… được vận chuyển từ Móng Cái về tập kết tại bến bãi gần khu công nghiệp Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

Điều đặc biệt là các thùng hàng, bao tải đều ghi chi chít chữ Trung Quốc nhưng khi bóc ra, một số mặt hàng có nhãn mác “Made in Vietnam”, nhiều sản phẩm làm nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặt câu hỏi: Tại sao lượng hàng lớn như vậy lại có thể trót lọt về đến Hà Nội để tiêu thụ? Ông nhấn mạnh: Trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu khi để “con voi chui lọt lỗ kim?”. Đây chỉ là một “kẽ hở” rất nhỏ trong cuộc chiến chống buôn lậu cực kỳ phức tạp. 

 Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, buôn lậu thuốc lá mang lại siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy, trong khi số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm 0,95% tổng số vụ bị bắt giữ. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng vận chuyển từ 500 bao thuốc trở lên.

Một kiến nghị của Hiệp hội thuốc lá được nhiều ý kiến đồng tình là, Bộ Công Thương cần dừng hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thuốc lá ngoại. Bởi vì giới buôn lậu thường lợi dụng nguồn thuốc lá tạm nhập tái xuất đưa vào các kho ngoại quan để làm thủ tục tái xuất đi Trung Quốc. Sau đó tìm cách đưa lên tàu cao tốc chở lậu về Hải Phòng, Móng Cái rồi chở về Hà Nội tiêu thụ. Do đó, Bộ Công Thương cần quyết định tiêu hủy toàn bộ thuốc lá lậu. Theo báo cáo của Oxford Economics năm 2014, Việt Nam là thị trường tiêu thụ hàng đầu thuốc lá lậu trong số 14 nước châu Á, gây thất thu ngân sách tới 8.000 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong hàng trăm mặt hàng buôn lậu “đánh” trực diện vào nền kinh tế.

Bên cạnh việc tăng biên chế, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, ý kiến của đại diện các lực lượng chống buôn lậu và một số địa phương nhấn mạnh rằng, “gốc rễ” của loại tội phạm này chính là đời sống nhân dân ở khu vực biên giới còn quá nghèo khó nên họ dễ dàng tiếp tay cho buôn lậu. Loại “gốc rễ” này không dễ nhổ nếu không có một chiến lược phát triển kinh tế  - xã hội vùng biên giới căn cơ, lâu dài.