Đơn lẻ dễ bị bẻ gãy

ANTĐ - Càng đến gần Tết, làn sóng hàng ngoại càng “tấn công” ồ ạt. Trên những kệ hàng trong các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ lớn ở Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn, hàng hóa đầy ắp và đủ loại từ đồ gia dụng, điện tử, may mặc đến các loại nông sản như nho Mỹ, táo Úc…, cạnh tranh gay gắt với nông sản nội ở một đất nước vốn được tiếng là sản xuất nông nghiệp như nước ta. 

Tại TP.HCM, ngoài gạo Thái Lan khá phổ biến, còn có cả gạo Hàn Quốc, Nhật Bản. Thịt bò Úc đang chiếm lĩnh thị trường. Bánh kẹo từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc… áp đảo với mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn hàng nội. Vậy cuộc “phản công” của các nhà sản xuất và kinh doanh trong nước như thế nào?

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có gần 900 cơ sở bán lẻ hiện đại, trong đó 70 cơ sở của nhà đầu tư nước ngoài, còn 800 cơ sở thuộc các doanh nghiệp Việt Nam. Trước sự lấn át về số lượng như vậy, Bộ Công Thương cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài không nhiều, cho nên mặc dù có sức ép nhưng không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thị trường, không nên quên là một cơ sở bán lẻ nước ngoài có quy mô và doanh thu gấp 4-5 lần các cơ sở bán lẻ Việt Nam. Nếu quy đổi thì quy mô các cơ sở bán lẻ của nước ngoài có thể lên tới hàng trăm chứ không phải chỉ có 70 cơ sở. Đơn cử, hệ thống của Parkson có 8 trung tâm thương mại, Lotte có 11, riêng Big C có tới 30 trung tâm. Như vậy, thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải chiếm tỷ lệ 3,4% như báo cáo của Bộ Công Thương, mà thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. 

Trong khi đó, kết thúc năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng doanh thu trên thị trường bán lẻ chỉ tăng 10,6% so với năm 2013. Tỷ lệ tăng trưởng nhỏ giọt là nỗi lo hiện hữu của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối bán lẻ trong nước. Tỷ trọng tăng trưởng của các ngành hàng khá thấp: lương thực, thưc phẩm chỉ tăng 1,7%, hàng may mặc tăng 4,6%; đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng 13%.

Bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam chính thức mở cửa cho các công ty bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, một số tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới vẫn đang mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Ngay trong năm 2014, hệ thống Big C đã mở thêm một số siêu thị bán lẻ. Đầu năm 2015, Big C  đang vận hành hệ thống 30 siêu thị;  Lotte Mart cũng có 10 siêu thị. Rõ ràng, trong năm 2015, ngành bán lẻ sẽ bước vào cạnh tranh khốc liệt. 

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thừa nhận, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải đối mặt trước áp lực cạnh tranh không cân sức ngay trên sân nhà. Nhưng thẳng thắn mà nói, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ trong nước làm mới mình, nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Hơn thế, doanh nghiệp bán lẻ nội không thể đơn lẻ trên thương trường mà cần phải gắn kết, cùng nắm tay nhau để có thể hợp thành “quả đấm thép” hoặc trong mô hình tập đoàn lớn mới đủ sức đương đầu với các tập đoàn bán lẻ khổng lồ của nước ngoài. Đơn lẻ dễ bị bẻ gãy, quy luật thị trường là như vậy!