“Độ văng” của thống kê

ANTĐ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố các số liệu khá lạc quan về thu nhập, việc làm của người lao động trên bản tin cập nhật thị trường lao động trong quý II-2014. 

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp cả nước là 1,84%, thấp nhất trong một năm qua. Nguồn lao động đạt 69,3 triệu người, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2013. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công ăn lương là 4,6 triệu đồng. Đáng lưu ý, thu nhập bình quân của lao động ngành tài chính, ngân hàng và bất động sản cao nhất với 8,1 và 7,6 triệu đồng. Dư luận tỏ ra nghi ngờ độ xác thực của những con số đẹp này.

Trả lời nghi ngờ này, Viện trưởng Viện Khoa học và Xã hội khẳng định, số liệu trên không bị bóp méo. Đây không phải là số liệu do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức điều tra, mà Bộ chỉ dùng số liệu của Tổng cục Thống kê để phân tích sâu thị trường lao động việc làm. Hơn thế, trong quá trình xử lý số liệu, Tổng cục Thống kê cũng được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế và thường công bố kết quả theo định kỳ hàng quý. Bà Viện trưởng nhấn mạnh: “Nếu ai đó còn nghi ngờ hoặc không tin vào số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia, thử hỏi sẽ tin vào con số nào?”. Tất nhiên, con số thống kê luôn có những hạn chế vì có số trung bình và cộng - trừ “quãng văng” của số liệu. Ví dụ, thu nhập bình quân là 8 triệu đồng, cộng trừ 5%, có nghĩa là sai số khoảng 5%. Do đó, những con số thống kê có “độ văng” lớn thì độ tin cậy càng giảm. 

Bất cứ con số nào cũng có hai mặt, người ta đánh giá độ tin cậy trên phương pháp thu thập số liệu và hàng loạt tính toán khác. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, nếu các số liệu khó chính xác tuyệt đối thì liệu có độ tin cậy để làm căn cứ hoạch định chính sách về việc làm, lao động? Trong “bức tranh” lao động đã phản ánh nghịch cảnh giữa những số liệu và thực tiễn. Tính đến tháng 8 vừa qua cả nước có hơn 870.000 người thất nghiệp, số người thuộc nhóm không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 60% tổng số lao động thất nghiệp, lao động có bằng đại học chiếm gần 17%. Tuy vậy, số lượng thất nghiệp ở cả hai nhóm này đều giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, bản tin thị trường lao động lại cho thấy, quý II-2014 có trên 22 triệu người không có bằng cấp đang làm những nghề đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật. Trái lại, có tới 0,75 triệu người có trình độ đại học đang làm những nghề yêu cầu chuyên môn kỹ thuật rất thấp.

Lý giải nguyên nhân của nghịch lý trên, cơ quan chức năng viện dẫn lý do: cung lao động đã vượt cầu, nhất là những nghề đòi hỏi kỹ thuật cao. Cũng có thể do thay đổi về nguồn cung nhân lực qua đào tạo ở hai thời điểm khác nhau, khiến số liệu thống kê bị ảnh hưởng. Cuối cùng là tình trạng thất nghiệp... tự nguyện, thất nghiệp tự nhiên.