“Đổ” tiền vào gửi tiết kiệm

ANTĐ - Mặc dù lãi suất thấp nhưng tỷ giá ổn định, nên người dân tin tưởng vào tiền đồng, do đó ít giữ vàng và ngoại tệ hơn trước. Nhiều người thường cân nhắc quyết định đầu tư giữa kênh bất động sản hay chứng khoán. Nhưng, tín hiệu phục hồi của hai thị trường này chưa rõ, nên xu hướng người dân vẫn chọn là gửi tiết kiệm đồng Việt Nam. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định như vậy khi lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng khá mạnh trong những ngày sau Tết Nguyên đán, dù lãi suất đang thấp ở mức kỷ lục.

Gửi tiền tiết kiệm lấy lãi suất luôn là phương án đầu tư cuối cùng, khi không còn lựa chọn khác tốt hơn. Một chuyên gia tài chính nhận xét như vậy. Trong thời điểm này, người dân chọn gửi tiết kiệm có lẽ do họ chưa nhìn thấy tín hiệu rõ nét từ các kênh chứng khoán, vàng hoặc bất động sản. Với nhiều người, gửi tiền tiết kiệm ở khía cạnh nào đó cũng là cách chuẩn bị sẵn tiền mặt đón chờ cơ hội mới là có thể xuất tiền đầu tư được ngay. Nhiều người có khoản tiền nhàn rỗi lớn gửi kỳ hạn 1 năm để hưởng lãi suất cao hơn mức bình thường.

Phó Tổng Giám đốc một số ngân hàng lớn ở Hà Nội cho biết, huy động vốn tăng trưởng tốt, đặc biệt ở Hà Nội. Theo dõi số dư tiền gửi, có thể thấy, ngoài tâm lý gửi tiền đầu xuân để lấy may, những người đầu tư kinh doanh lớn dù rót vốn vào đâu, họ cũng giữ lại một khoản tiền gửi ngân hàng. Đây có thể xem như là cách phân tán rủi ro, bỏ “trứng” vào nhiều giỏ. Họ khó tìm kênh nào khác để đầu tư, trong khi lạm phát đã được kiềm chế tốt nên nhiều người có tiền nhàn rỗi vẫn chọn gửi tiết kiệm là an toàn và có lợi nhất. 

Vừa mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm nữa, khiến người dân phỏng đoán khả năng ngân hàng sẽ sớm giảm thêm lãi suất huy động từ tiền gửi tiết kiệm. Trong khi đó, thị trường vàng từ lâu không còn “nổi sóng”, chứng khoán lại tùy thuộc nhiều vào độ nhạy, chưa kể nhà đầu tư có thể lỗ nếu dự đoán, đón bắt sai xu hướng. Còn kênh bất động sản chỉ dành cho những người có số tiền “khủng”.

Lý giải nguyên nhân người dân vẫn “đổ” tiền vào kênh tiết kiệm dù lãi suất thấp, một số chuyên gia tài chính nhận định rằng, xu hướng này là phù hợp với diễn biến lạm phát đang thấp và có thể còn thấp hơn trong thời gian tới. Dù lãi suất thấp, song tính kỹ vẫn có khả năng thực dương. Có thời điểm lãi suất cao nhưng lạm phát cao, tính ra vẫn thực âm. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin vào đồng nội tệ cũng như độ an toàn cao, xu hướng “đổ” tiền nhàn rỗi vào ngân hàng rõ ràng là tình trạng mừng ít, lo nhiều. Bởi đồng tiền chậm quay vòng, chậm đổ vào kênh sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư thì khó có thể mau chóng sinh sôi nảy nở, khó có thể mau chóng tối đa hóa lợi nhuận được. Đồng tiền không chảy mạnh sẽ tù đọng, “đóng băng” trong nhà băng. Bởi vậy, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong điều hành kinh tế là đẩy nhanh việc khơi thông dòng vốn, đưa nhanh dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh, để kích thích nền kinh tế tăng trưởng, thoát ra khỏi bối cảnh khó khăn chung.