Điều hành giá chậm một nhịp

ANTĐ - Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã giảm 10 lần. Mặc dù vậy, mức giảm giá này cũng chưa ăn thua gì so với mức giảm giá mạnh của xăng dầu trên thị trường Singapore, nguồn nhập khẩu chính của Việt Nam. Dưới góc độ phân tích giá cả theo cơ chế thị trường, một số chuyên gia cho rằng, việc giá xăng dầu trong nước chưa bám sát giá thế giới, đặc biệt là khi giá giảm, có nguyên nhân từ những quy định liên quan đến định giá cơ sở.

Số liệu giá cả cho thấy, từ đầu năm đến cuối tháng 11, giá xăng trong nước đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 18,8%, trong khi giá xăng tại Singapore từ đầu năm tới lúc này đã giảm tới 27,2%, còn giá dầu cũng giảm tới hơn 26%.

Theo Nghị định 83, thời gian giảm giá giữa hai lần là 15 ngày. Có nghĩa là: trong suốt thời gian này, doanh nghiệp đầu mối vẫn thu lãi cao và người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao trong khi giá thành phẩm liên tục giảm. Quy định trên cũng cho phép từng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ để cạnh tranh. Song, thời điểm giảm giá phải căn cứ theo công bố của liên ngành Công Thương – Tài chính. Bình quân 15 ngày, tổ liên ngành này mới công bố thông tin giá cơ sở một lần. Chưa kể, doanh nghiệp đầu mối còn phải chờ động thái của Petrolimex, đầu mối chiếm gần 50% thị phần. 

Dù giá cơ sở đã được tính bằng giá bình quân 15 ngày của giá thế giới, nhưng thời gian giãn cách giữa 2 lần giảm giá kéo dài càng làm cho người tiêu dùng, doanh nghiệp thiệt thòi. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới giảm liên tiếp khiến các cơ sở kinh doanh đầu mối được hưởng lợi nhiều hơn. Một chuyên gia giá cả có uy tín nhận xét, doanh nghiệp sẽ không bao giờ tự tước bỏ quyền lợi của mình để giảm giá bán cho người tiêu dùng. Tình trạng tăng giá dễ dàng, giảm giá nhỏ giọt hoặc khó giảm mặt hàng xăng dầu và sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là do lỗi quản lý.

Thị trường xăng dầu trong nước đang song hành trạng thái vừa cho doanh nghiệp tự quyết, vừa có Nhà nước điều tiết như thị trường xăng dầu, trong khi vẫn còn Petrolimex thống lĩnh. Việc điều hành giá chậm một nhịp khi bám sát diễn biến thị trường thế giới, giúp doanh nghiệp đầu mối lời to khi mỗi ngày có 38 triệu lít xăng dầu được bán ra. Ở mặt hàng sữa, Bộ Tài chính đã dùng công cụ là áp giá trần để quản lý, giá trần này không cố định mà luôn biến động. Khi đầu vào tăng thì phải điều chỉnh tăng và ngược lại. Thế nhưng, thời gian qua, cơ quan quản lý chưa tính được giá thực của các sản phẩm sữa, mà chỉ dựa vào báo cáo của doanh nghiệp. Bởi vậy, cơ quan quản lý cần “để mắt” tới những doanh nghiệp đang thực sự hưởng lợi từ việc sữa nguyên liệu giảm giá.

Chậm một nhịp trong điều hành giá trong nước trước diễn biến sôi động của thị trường thế giới là biết bao thiệt thòi cho người tiêu dùng; chậm một nhịp dễ dẫn tới không công bằng đối với doanh nghiệp. Bài toán này đang cần lời giải với một cơ chế điều hành giá linh hoạt, uyển chuyển để bám sát cơ chế thị trường hơn, phản ứng thị trường tốt hơn.