Để đỡ bị tổn thương

ANTĐ - Theo số liệu vừa được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố, trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước dừng hoạt động, giải thể, cắt giảm lao động, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 6,7 triệu việc làm trong tổng số 10,9 triệu việc làm của toàn bộ khu vực doanh nghiệp cả nước tạo ra. Sự thành công trong phát triển kinh tế của nước ta có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Song, kinh tế tư nhân luôn bị tổn thương nhất và kém sức cạnh tranh nhất.

“Mổ xẻ” những khó khăn, yếu kém của kinh tế tư nhân, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, vốn ít, chính sách ưu đãi không thể so với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ khả năng tiếp cận vốn ưu đãi của Nhà nước cho đến điều kiện hoạt động còn quá nhiều bất cập và nan giải.

Năm 2014 số doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, giải thể tăng 13,8% so với năm 2013. Trong khi đó, tiếp cận vốn đầu tư và vốn cố định luôn là một rào cản cố hữu mà doanh nghiệp tư nhân rất khó vượt qua.

Theo một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và một số hiệp hội doanh nghiệp, việc các ngân hàng luôn đòi hỏi những khoản tài sản thế chấp mà doanh nghiệp không có, hoặc nếu có thì chủ yếu là bất động sản đã “trói tay” doanh nghiệp ngoài Nhà nước, buộc họ phải tiếp cận vốn phi chính thức với lãi suất cao hơn, dẫn đến mất lợi thế về chi phí. Họ phải thu hẹp quy mô hoạt động, không đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu.

Theo số liệu điều tra, hiện có tới 95-96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Riêng siêu nhỏ đã chiếm tới 66-67%. Nếu tính cả hộ kinh doanh cá thể thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ lên tới 98%. Đây là một thực trạng đáng lo ngại trong môi trường cạnh tranh, hội nhập ngày càng sâu rộng trước làn sóng các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài đã và đang “đổ bộ” vào thị trường nước ta.

Làm thế nào để tạo cơ chế thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh và giúp cho kinh tế tư nhân đỡ bị tổn thương? Giới chuyên gia cũng như các hiệp hội doanh nghiệp đồng quan điểm cho rằng, hệ thống các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh, còn tản mạn như hỗ trợ tài chính, khuyến khích các ngân hàng cho vay, tăng cường vai trò của quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hành lang pháp lý chưa phát huy mạnh vai trò trợ giúp, bảo vệ doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, cũng như chia sẻ chi phí, những rủi ro chung để tạo lợi thế cạnh tranh.