Dân vẫn bị làm khó

ANTĐ - Triển khai bảo hiểm y tế toàn dân là một chủ trương nhằm đảm bảo an sinh xã hội toàn diện nhưng để thực hiện hiệu quả là một bài toán rất khó. Dư luận xã hội đang hết sức quan tâm tới quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. 

Theo quy định cũ, người dân có nhu cầu có thể dễ dàng mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện. Theo quy định mới, người dân bắt buộc phải mua BHYT cho cả gia đình. Một số chuyên gia cho rằng, quy định này đang làm khó cho người dân.

Một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, với hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc bị “ép” mua BHYT là một gánh nặng quá sức. Nước ta có dân số 70% là nông dân, thu nhập bấp bênh, trong khi theo quy định, mức đóng BHYT tự nguyện là 621.000 đồng/năm.

Với số tiền này, một gia đình đông con chắc chắn rất khó tham gia vì chi phí quá lớn. Hơn thế, chính sách BHYT mới còn bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý như đòi hỏi người mua theo hộ gia đình phải có giấy xác nhận tạm vắng, giấy chứng nhận đang học ở nước ngoài hoặc phải đi cắt hộ khẩu… vô hình trung, cơ quan bảo hiểm gây thêm phiền hà cho người dân. Bởi vì có được các giấy tờ này, người dân phải qua các thủ tục rất nhiêu khê, rắc rối. Chính sách BHYT bắt buộc không chỉ gây khó khăn cho những người có hộ khẩu tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị mà còn ảnh hưởng lớn đến hàng chục vạn người nghèo và cận nghèo nhập cư. Đó là tỷ lệ không nhỏ những người lao động phi chính thức.

Theo luật, họ thuộc nhóm được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng thẻ bảo hiểm được phát hành ở quê, nơi có đăng ký hộ khẩu trong khi họ đang cư ngụ và kiếm sống ở thành phố. Chính sách BHYT mới còn quy định khám bệnh ngoại trú trái tuyến không được hưởng bảo hiểm, buộc họ phải chi trả 100% tiền khám và thuốc men nếu khám và điều trị tại đây. Rõ ràng là người nghèo lại càng khó hơn.

Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT cho rằng, chính những người thân trong gia đình phải có trách nhiệm tham gia BHYT, lúc khỏe phải mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm đau. Trước nay, đa số người dân đều lựa chọn ngược, đến khi có bệnh nặng mới mua thẻ BHYT. Nếu ai cũng suy nghĩ như vậy thì quỹ BHYT lấy gì để chi? Mua bảo hiểm theo hộ gia đình là phù hợp với quyền lợi của người dân. Tuy vậy, cơ quan chức năng cần ghi nhận thực tế, lắng nghe ý kiến của người dân, cân nhắc kỹ lưỡng, tạo điều kiện để dân mua được bảo hiểm. Không thể nhận về mình phần dễ, đẩy phần khó cho dân.