Dân mong làm rõ tới cùng

ANTĐ - Đúng như lời hứa của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, trước thời hạn lãnh đạo thành phố giao 3 ngày, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo kết luận thanh tra, xác minh nội dung phản ánh tiêu cực phải nộp phí “bôi trơn” 8 triệu đồng mới có “sổ đỏ” tại dự án Hapulico (Thanh Xuân) và khu nhà ở để bán phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm). Nội dung đáng chú ý nhất tại bản thông báo là kết luận: “Có dấu hiệu nhân viên 2 công ty phổ biến cho một số hộ dân nộp tiền để làm “sổ đỏ” nhanh”.

Để có được kết luận này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của lãnh đạo thành phố. Từ những thông tin ban đầu qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, đơn thư của người dân (không có chữ ký người phản ánh) và một số tài liệu khác, cơ quan thanh tra đã khẩn trương vào cuộc làm việc với các bên liên quan và đặc biệt là tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp giữa một số hộ dân và nhân viên chủ đầu tư 2 dự án nói trên. Điều này thể hiện quyết tâm làm rõ tới cùng những thông tin, phản ánh về tiêu cực xảy ra trên địa bàn của lãnh đạo thành phố trong bất kỳ thời điểm nào. Có thể nói, thành phố đã thể hiện tinh thần không e ngại, né tránh mà luôn nhìn thẳng vào sự thật nhằm tìm ra phương án hiệu quả nhất để chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém (nếu có).

Dư luận nhân dân hoàn toàn đồng tình với kết luận của UBND TP Hà Nội. Bước đầu, những kết luận khách quan, chặt chẽ của UBND TP Hà Nội sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ vụ việc. Bởi người dân còn muốn làm rõ tới tận cùng xem ai đã chỉ đạo việc thu phí “bôi trơn”, ai đã trực tiếp gợi ý người dân, ai đã thu tiền? Số tiền đã thu là bao nhiêu, sử dụng vào việc gì, thực sự dùng “bôi trơn” cán bộ có trách nhiệm hay chỉ lừa đảo để chiếm đoạt cho mục đích cá nhân? Những điều này cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra làm rõ để trả lời thỏa đáng cho dân. 

“Bôi trơn” để được cấp “sổ đỏ” nhanh trên thực tế đã gây nhức nhối dư luận từ nhiều năm nay. Không chỉ tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) thừa nhận có thực trạng này ở nhiều nơi dù “tìm chứng cứ cụ thể rất khó”. Cũng không riêng gì “sổ đỏ”, xã hội còn vô vàn thứ phí “bôi trơn” khác cũng gây bức xúc không kém. Từ những chuyện lớn như chạy chức chạy quyền, chạy việc, để trúng thầu dự án... tới những việc nhỏ như xin học trái tuyến, xin vào lớp chọn hay đơn giản nhất là khám chữa bệnh cũng đều phải “lót tay” mới xong được. Từ một vụ việc cụ thể này, người dân lại hy vọng nhà quản lý sẽ điều chỉnh từ gốc, bằng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách... để giảm dần nạn đòi hỏi “bôi trơn” hiện nay.