Có lợi cho dân phải hết sức làm

ANTĐ - “Taxi Uber giá cước thấp hơn taxi thông thường, người dân được hưởng lợi nên sử dụng. Nếu loại hình kinh doanh này chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, sao ta không bổ sung quy định hợp pháp hóa để quản lý nó? Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân. Thế giới ứng dụng rồi, tại sao ta không làm...” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phát biểu quyết đoán như vậy khi đang rộ lên tranh luận về loại hình kinh doanh mới mẻ này. 

Chỉ trước đó 1 ngày, cũng nói về taxi Uber, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lại có quan điểm khác với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi ông Nguyễn Hồng Trường quả quyết rằng, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về loại hình này nên “bất kỳ hãng nào hoạt động đều là trái luật”. Nếu cứ vội vã quy vào “trái luật”, và theo lối mòn tư duy “không quản được thì cấm” là cung cách quản lý cũ. Cung cách ấy không khó có thể nhận ra, lợi thế luôn nằm ở phía cơ quan quản lý, còn những bất lợi, thua thiệt thì thuộc về trách nhiệm… người dân, doanh nghiệp - những đối tượng phải thi hành, nếu có lệnh cấm được ban ra (!?). 

Trong khi đó, theo tinh thần Hiến pháp 2013, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh. Thông điệp này liên tục được Chính phủ nhắc nhở, lưu ý các bộ, ngành, địa phương để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo sự thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cũng đã giải thích: “Chúng ta đã thay đổi cách thức tiếp cận khi làm luật, chuyển từ phương pháp chọn - cho sang chọn - cấm. Những gì cấm thì ghi vào luật, những gì không cấm thì người dân, doanh nghiệp được làm”. Tiếc rằng không phải lãnh đạo nào cũng đổi mới tư duy như ông Bùi Quang Vinh!

Thực tiễn thì luôn luôn biến động không ngừng và người kinh doanh cũng như khách hàng luôn có xu hướng tìm tới những loại hình dịch vụ, sản phẩm mới, chưa có tiền lệ để tối đa hóa lợi ích của mình. Đây chính là động lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Vì vậy, tư duy nhà quản lý không thể cứ giữ nếp cũ “không quản được thì cấm”, cốt sao tạo thuận lợi cho chức năng quản lý của mình.

Trong trường hợp này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã thể hiện sự chuyển động theo tư duy mới. Trước xu hướng, loại hình  mới xuất hiện, dù chưa được quy định trong các văn bản pháp quy, nhà quản lý chủ trương xem xét, nghiên cứu, đánh giá các tác động của nó tới đời sống xã hội để đưa ra quyết sách phù hợp, cân bằng lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng. Ở đây, sòng phẳng mà nói, bên cạnh nhiều tiện lợi - tiện ích thì loại hình vận tải, di chuyển bằng phương thức Uber không phải không có mặt trái. Nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới giao thông đô thị? Nó có đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ hay không? Mức độ ảnh hưởng của Uber thế nào tới người lao động tại các hãng taxi truyền thống? Nhà nước có thất thu thuế không? Tất cả những yếu tố liên quan đều phải được xem xét một cách khoa học, thấu đáo chứ không phải phán ngay là “trái luật” rồi cấm đoán. 

Yêu cầu cốt lõi ở đây là nhà quản lý cần điều hành hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường, chứ không phải bằng những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc. Đừng dựng thêm rào cản mới bằng tư duy cũ nữa! Và, nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Phải bỏ ngay tư duy không quản được thì cấm”.

Đổi mới tư duy, đổi mới cung cách quản lý Nhà nước và luôn hướng đến lợi ích nhân dân -  lời dạy của Bác Hồ ngay sau ngày khai sinh lập nước (trên Báo Cứu quốc ngày 12-10-1945) cho đến hôm nay vẫn còn nóng hổi. Những lời dạy của Người càng đọc, càng thấm thía: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, dầu khó đến đâu mặc lòng…”.