Có cơ hội, nhưng không dễ

ANTĐ - Đối với nền kinh tế nước ta, năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng với các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết: Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan); Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Năm nay, Việt Nam sẽ ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Cùng với hàng loạt các luật như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… được sửa đổi, kinh tế năm 2015 được giới chuyên gia dự báo sẽ có cơ hội bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn.

Khi tham gia hội nhập sâu, tức là phải chấp nhận cuộc chơi, luật chơi chung. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không chuẩn bị kỹ lưỡng thì rất khó giành được lợi thế. Hiện nay, theo đánh giá, chỉ có khoảng hơn 30% doanh nghiệp đang làm ăn tốt sẽ đón được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Phần lớn các doanh nghiệp còn lại vẫn rất “đói” thông tin hoặc nhận thức lơ mơ, chưa đầy đủ những hiệp định FTA mà nước ta đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán. Doanh nghiệp nắm chắc thông tin, nội dung cơ bản của hiệp định thì mới có thể chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. 

Một yếu tố hết sức quan trọng là cần có ngay chính sách hỗ trợ để từ cơ hội này tiếp sức cho các doanh nghiệp cùng nắm tay nhau đi lên, chứ không chỉ là cơ hội riêng cho một số doanh nghiệp vốn đã và đang ăn nên làm ra. Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, hiện nay chúng ta đã khống chế được lạm phát cao, nên hoàn toàn có thể “nới tay” đối với chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tổng cầu lên cao hơn. Làm sao có biện pháp nới lỏng chính sách tín dụng thực sự, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp yếu thế về phương diện tài chính, để họ dễ dàng tiếp cận được thị trường, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tạo sức lan tỏa trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp nhìn nhận, bên cạnh cơ hội từ các hiệp định thương mại mang lại, đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nguyên liệu sợi, vải đang nhập khẩu chủ yếu để làm hàng xuất khẩu sẽ phải nội địa hóa. Trong lĩnh vực điện tử cũng sẽ rất sai lầm khi kỳ vọng các tập đoàn lớn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều sống còn với doanh nghiệp là phải có nguồn tài chính mạnh để đủ sức tiếp cận công nghệ mới, toàn bộ dây chuyền cũ phải chuyển đổi, chuyển hướng sản xuất. Đây là bài toán khá hóc búa.