Chung vai gánh khó khăn

ANTĐ - Trong 18 năm qua, lần đầu tiên có hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2015 sau Tết giảm 0,25% so với tháng 12-2014. Chỉ số giá tiêu dùng giảm chủ yếu do giá xăng dầu điều chỉnh giảm. Mặc dù rơi vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao, song vẫn chỉ có một số nhóm hàng hóa tăng giá với mức tăng không đáng kể. Đặc biệt, nhu cầu thực phẩm, lương thực cao, nhưng do giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm theo nên lương thực, thực phẩm không hề có tình trạng “sốt giá”.

Đánh giá diễn biến giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2015, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cho dù nhu cầu Tết Nguyên đán tăng cao, song với nguồn cung trong nước dồi dào cộng với giá cước vận tải giảm nên giá gạo trong nước khá ổn định. Hầu hết giá thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, thủy sản tươi sống và chế biến tăng nhẹ ở mức 0,67%-1,04%. Đây là mức tăng không đáng kể so với cùng thời điểm những Tết Nguyên đán các năm trước. Ngoài các yếu tố cung cầu trên thị trường, rõ ràng giá xăng dầu có sức nặng đáng kể làm nghiêng lệch hẳn chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng qua, khác hẳn với thông lệ mọi năm. Vì vậy, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối yêu cầu giữ ổn định giá bán và giảm mức trích Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng này. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý điều hành nhằm bình ổn giá thị trường sau Tết, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định giữ ổn định giá bán các chủng loại xăng dầu. Liên bộ cũng quy định chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở liền kề.

Trong con mắt quan sát của giới chuyên gia, diễn biến giá cả thị trường trước và trong Tết Âm lịch chỉ là bề nổi phản ánh cán cân cung - cầu và mãi lực của thị trường. Bên cạnh những nỗ lực “trầy vi, tróc vẩy” vươn lên vượt khó từ phía doanh nghiệp, thì cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể như, các cơ quan quản lý cần xác định rõ doanh nghiệp đang “đói” vốn như thế nào, tháo gỡ để đơn giản hóa thủ tục hành chính ra sao, đồng thời bằng mọi cách tạo động lực lớn hơn và khuyến khích ngân hàng và doanh nghiệp chung vai gánh khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.