“Chìa khóa” kiểm soát giá

ANTĐ - Xăng dầu, điện là những yếu tố đầu vào sống còn của hầu hết các ngành sản xuất và ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Giá bán lẻ điện sinh hoạt đã được điều chỉnh tăng, dao động trong khoảng 1.484-2.587 đồng/kWh. Trước đó, giá xăng dầu và tỷ giá cũng được điều chỉnh tăng. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm gì để tránh áp lực tăng giá đồng loạt trên thị trường, tạo ra mặt bằng giá mới?

“Chìa khóa” kiểm soát giá ảnh 1

Ảnh minh họa: Lê Viết Trí, internet

Lạm phát ở nước ta chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi 3 nhóm cơ bản là lương thực - thực phẩm, điện - xăng dầu và tỷ giá. Trong 3 năm gần đây, nước ta đã kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) về rất thấp, song hiện còn ẩn chứa nhiều yếu tố khiến lạm phát có thể quay trở lại. Vì vậy, mặc dù lạm phát năm 2014 chỉ là 1,83%, nhưng Chính phủ vẫn đặt ra chỉ tiêu lạm phát năm nay không quá 5% để kiểm soát. Thực ra, áp lực điều chỉnh giá điện đã xuất hiện từ nhiều tháng trước. Chỉ có điều, khi giá xăng dầu tăng theo biến động giá thế giới, thì giá điện tăng sẽ tạo nên tác động “kép” về mặt tâm lý. Trong điều hành giá, điều cần tránh nhất là rơi vào tình trạng tăng giá đột ngột quá cao và tăng giá dây chuyền, nhất là điện và xăng dầu.

Thực tế, trong thời gian qua, CPI giảm, nhưng các khoản chi của người dân cho điện, xăng dầu lại giảm không đáng kể, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu khá lớn. Giá xăng và giá điện tăng gần như cùng thời điểm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức mua của người dân? Theo ý kiến một số chuyên gia, việc tăng giá này không tác động mạnh đến tổng cầu mà tác động đến túi tiền của người dân. Vấn đề ở đây là làm sao kiểm soát tính minh bạch giá cả các mặt hàng khác cũng như hiệu ứng tác động từ giá xăng dầu, điện tăng. Không thể để đây là cơ hội để giá những mặt hàng khác “ăn theo”, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm giám sát Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Dư luận từng đặt câu hỏi: Liệu việc kiểm tra, giám sát sẽ khách quan tới đâu? Ở các nước, muốn kiểm tra doanh nghiệp, phải có sự phối hợp giữa đơn vị kỹ thuật độc lập và cơ quan kiểm toán rất nghiêm ngặt để chống lại sự móc nối, hòng gia tăng sự độc quyền, kiểm soát giá những mặt hàng có độ “nhạy cảm” cao như xăng dầu, điện. Bởi các mặt hàng này ảnh hưởng lớn đến túi tiền của người dân. Kiểm toán, kiểm tra, giám sát buộc các doanh nghiệp phải hết sức minh bạch trong quản lý, phải công khai, công bố báo cáo tài chính đầy đủ. Rõ ràng, cần phải nắm chặt chiếc “chìa khóa” kiểm soát giá thì mới điều hành được giá cả theo cơ chế thị trường.